Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh (phải) xem xét tình trạng của Tú Chinh trước khi phẫu thuật
Chiều 3-5, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đã tổ chức hội chẩn và liền ngay sau đó là ca phẫu thuật dành cho Lê Tú Chinh.
Tôi sẽ chứng tỏ ý chí của mình trong giai đoạn hồi phục sắp tới. Mọi người hãy chờ đợi sự trở lại của tôi.
LÊ TÚ CHINH
Ca chấn thương phức tạp
Gần một tháng trước, Tú Chinh được phát hiện dính chấn thương sau một buổi tập. Nhưng đó không chỉ là một chấn thương do xui rủi. Sau vài ngày điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ đánh giá chấn thương của Tú Chinh còn nghiêm trọng hơn nhiều và là hệ quả của những tổn thương tích tụ lâu dài.
Để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho cô, Bệnh viện Quân y 175 đã mời PGS.TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh (trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) tham gia hội chẩn và thực hiện ca phẫu thuật dành cho Tú Chinh.
TS.BS Phan Đình Mừng (viện phó Viện Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175) cho biết: "Tú Chinh bị chấn thương gối phải, rách sừng sau sụn chêm ngoài trên tổn thương dập dây chằng chéo trước, dây chằng bên trong do tai nạn thể thao tuần thứ 4.
Trong ca mổ, kíp mổ đánh giá tổn thương phù hợp với chẩn đoán ban đầu. Tuy nhiên, tổn thương này không phải do chấn thương ngay tại thời điểm cách đây 4 tuần mà đã bắt đầu từ trước rồi. Chấn thương cách đây 4 tuần chỉ làm nặng thêm tổn thương mà thôi.
Trong quá trình mổ, chúng tôi phát hiện Chinh bị rách sừng sau sụn chêm đoạn tiếp giáp 1/3 giữa và 1/3 sau của sụn chêm ngoài, cộng thêm có tổn thương sụn của mâm chày ngoài cấp độ 4. Ca mổ đã cắt lọc, xử lý sụn chêm tổn thương và khâu lại cẩn thận".
Một ca phẫu thuật thành công trước nhất cần việc đánh giá chính xác tổn thương như thế nào. Tiếp đến là việc chẩn đoán rồi điều trị sớm. Như trong trường hợp của Tú Chinh, khoảng thời gian 4 tuần sau chấn thương là phù hợp, không phải là trễ.
Bác sĩ BÙI HỒNG THIÊN KHANH
Tú Chinh thực hiện một số động tác để bác sĩ Thiên Khanh đánh giá mức độ chấn thương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khả năng hồi phục ra sao?
Đánh giá ca phẫu thuật thành công nhưng bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh cho biết khả năng hồi phục hoàn toàn của Tú Chinh còn phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
"Một ca phẫu thuật thành công trước nhất cần việc đánh giá chính xác tổn thương như thế nào. Tiếp đến là việc chẩn đoán rồi điều trị sớm. Như trong trường hợp của Tú Chinh, khoảng thời gian 4 tuần sau chấn thương là phù hợp, không phải là trễ. Và sau đó nữa là quá trình tập vật lý trị liệu hợp lý. Ngoài ra còn một số trường hợp khác cũng tùy thuộc vào cơ địa của VĐV.
Việc Tú Chinh có thể trở lại thi đấu đỉnh cao hay không còn phải tùy y học tiến bộ đến mức nào. Nếu muốn đơn giản thì chỉ cần cắt bỏ phần sụn chêm đi thì bệnh nhân sẽ đi đứng bình thường, nhưng khi chơi thể thao, xương khớp phải va chạm thì sẽ rất đau. Nói chung trường hợp này cần khoảng thời gian hơn 1 năm để bình phục", bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh cho hay.
Cuộc đua không đơn độc
Đời VĐV ai cũng trải qua gian nan khổ sở, nhưng phải chịu đựng nỗi đau như Tú Chinh quả không dễ dàng gì.
3 năm qua, kể từ sau SEA Games 2019, chân chạy người Sài Gòn miệt mài tập luyện để mong xây chắc ngôi vị "nữ hoàng tốc độ" trong làng điền kinh Đông Nam Á.
Ở SEA Games 2017, Tú Chinh độc chiếm các cự ly tốc độ (bao gồm 3 nội dung quen thuộc là 100m, 200m cá nhân và tiếp sức 4x100m).
Đến SEA Games 2019, sự xuất hiện của Kristina Knott - VĐV Philippines nhập tịch từ Mỹ - khiến cuộc đua gian nan hơn nhưng Tú Chinh vẫn xuất sắc giành được HCV 100m.
Việc Knott vắng mặt tại SEA Games lần này (cũng vì chấn thương) càng khiến con đường chinh phục của Tú Chinh suôn sẻ hơn, đặc biệt là khi SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Nhưng rồi giấc mộng đẹp đã hoàn toàn tan vỡ.
Ngồi trò chuyện cùng cô trò Tú Chinh - Thanh Hương ngay ở bệnh viện, chúng tôi không khỏi tắc lưỡi tiếc nuối cho cô, "giá như Chinh có thêm một tháng nữa...".
Cô gái 25 tuổi cũng cho biết đã thất vọng đến mức bật khóc khi nghe tin mình mất kỳ SEA Games 31. Nhưng rồi cô đã sớm vượt qua.
"Nhờ sự an ủi của cô Hương và bản thân tôi cũng cố gắng giữ suy nghĩ lạc quan. Bây giờ mình có buồn bã cũng không để làm gì. Tôi sẽ chứng tỏ ý chí của mình trong giai đoạn hồi phục sắp tới.
Tôi giữ suy nghĩ rằng nhiều đàn anh bên môn bóng đá dính chấn thương còn nặng hơn nhưng rồi cũng có thể trở lại, vậy thì tôi cũng có thể. Mọi người hãy chờ đợi sự trở lại của tôi", Tú Chinh nói.
Trước mắt, cô đặt mục tiêu "đua hồi phục" để trở lại cho kỳ SEA Games 32 diễn ra vào cuối năm sau ở Campuchia.
Ít nhất, Tú Chinh không hề cô độc trong "cuộc đua" này. Bác sĩ Nguyễn Việt Cường - phó giám đốc ngoại Bệnh viện Quân y 175 - cho biết mọi phí tổn ca phẫu thuật của Tú Chinh sẽ do bệnh viện tài trợ.
Đây cũng là một phần của ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Quân y 175 và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến động viên và hỗ trợ Tú Chinh 10 triệu đồng.
Hãy cùng tiếp sức để Lê Tú Chinh - "nữ hoàng tốc độ" của làng điền kinh Việt Nam - có thể sớm trở lại đường đua!
Cộng đồng chạy bộ ủng hộ Tú Chinh
Đại diện báo Tuổi Trẻ động viên Tú Chinh trước khi phẫu thuật - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ vài ngày sau khi biết tin Lê Tú Chinh chấn thương phải bỏ SEA Games 31, cộng đồng chạy bộ ở Việt Nam đã lên nhiều kế hoạch để hỗ trợ cô VĐV 25 tuổi.
Ngoài việc kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội, dân chạy bộ phong trào còn tổ chức giải chạy để quyên góp cho Tú Chinh. Theo đó, ít nhất sẽ có hai giải chạy diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội vào cuối tuần này mang ý nghĩa ủng hộ "cô gái vàng" của làng điền kinh Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận