20 hộ nông dân tỉnh Bến Tre nhận vốn trong chương trình “Tiếp sức nhà nông” - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí 460 triệu đồng (bao gồm 400 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 60 triệu đồng) cho 20 hộ nông dân của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, có con em vượt khó học giỏi.
Ngoài ra, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng cho 20 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con của các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị 20 triệu đồng.
Nhận vốn khởi nghiệp
Đến dự chương trình từ rất sớm, chị Lê Thị Hồng Hớn, 43 tuổi, ngụ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết khi biết mình được nhận vốn hỗ trợ từ GREENFEED, chị vừa mừng vừa lo.
Mừng vì không nghĩ sẽ có một nguồn vốn như vậy trong giai đoạn khó khăn này để giúp hai mẹ con chị khởi nghiệp. Nhưng chị cũng không giấu được nỗi lo lắng của mình.
"Từ trước đến giờ, để con được tiếp tục đến trường, tôi phải bươn chải mọi công việc để kiếm tiền. Giờ có số số vốn này trong tay cũng là áp lực lớn vì không biết mình khởi nghiệp có thành công hay không", chị Hớn nói.
Chị Hớn một mình nuôi con từ nhiều năm nay. Ngoài công việc phụ trách mảng nông nghiệp cho xã, thi thoảng chị phụ cha mẹ mình chăn nuôi bò. "Nói gì thì nói, hiện tui cũng có chút kinh nghiệm trong chăn nuôi nên nhận được số vốn 20 triệu đồng từ GREENFEED, tôi sẽ dùng một ít để sửa sang chuồng trại có sẵn của cha mẹ, số còn lại tôi sẽ mua một đàn heo để nuôi.
"Tôi chỉ mong với số vốn này, tôi sẽ có điều kiện để chăn nuôi, phát triển kinh tế để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, số còn lại tôi sẽ sửa sang lại căn nhà đang ở", chị Hớn nói.
Con trai chị Hớn, em Tuấn Anh - 14 tuổi cũng đi cùng mẹ để nhận số vốn từ GREENFEED bộc bạch: "Con thương mẹ con lắm. Con mong sao mẹ đủ sức khỏe để làm việc. Mai mốt con sẽ làm bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và cho mọi người".
Tâm trạng vừa mừng vừa lo cũng là tâm trạng chung của 20 hộ dân nhận vốn Tiếp sức nhà nông trong ngày 10-11. Tuy nhiên, theo ông Phan Hoàng Liên - giám đốc điều hành GREENFEED Long An, sau khi trao vốn xong, phía công ty sẽ có đội ngũ tiếp tục đồng hành cùng nông dân.
Nông dân Bến Tre chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với số vốn từ GREENFEED - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Là người đã từng nhận vốn Tiếp sức nhà nông giai đoạn 2014-2016 và đã thành công với số vốn ban đầu, chị Dương Thị Mỹ Diệu, ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết: "Thật sự tôi rất biết ơn chương trình đã tạo một động lực rất lớn để tôi từ một hộ nghèo trở thành một hộ thoát nghèo bền vững. Tất cả chỉ trong vòng 2 năm".
Chị Diệu kể: "Giai đoạn đó gia đình tôi rất nghèo, khó khăn nên hội nông dân của xã Hưng Lễ đã quan tâm và giới thiệu cho tôi chương trình.
Lúc đó, tôi được mượn 15 triệu không lãi suất và 3 triệu phiếu thức ăn. Tôi sử dụng vốn đó xây chuồng và mua một đàn heo. Sau mấy tháng nuôi, tôi đã có lãi hơn 20 triệu đồng từ việc bán hai đàn heo con.
Từ đồng tiền lãi đó, tôi tiếp tục tái đàn và dùng số tiền đó để trả nợ. Bên cạnh đó, chỉ sau khoảng gần 2 năm vay vốn tôi đã nâng cấp căn nhà 54m2 lên 86m2. Đứa con tôi lên lớp 6 năm đó cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng, đó là một số tiền rất lớn và là động lực lớn lao để con tôi tiếp tục được đến trường. Giờ con bé cũng đã học lớp 11".
Mong bà con vươn lên thoát nghèo
Ông Phan Hoàng Liên - giám đốc điều hành GREENFEED Long An - cho biết trên khắp đất nước còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn đó không cản bước được sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chăm lo cuộc sống cho gia đình cũng nhưng con đường học hành của con em mình.
Ông Phan Hoàng Liên - giám đốc điều hành GREENFEED Long An - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
"Trong suốt 10 năm qua, công ty GREENFEED đã phối hợp cùng với báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình xã hội "tiếp sức nhà nông cho con đến trường" với mục tiêu tạo sinh kế ổn định, bền vững và giúp hộ nông dân thoát nghèo, chủ động kinh tế thông qua nguồn vốn vay không lãi suất.
Bên cạnh đó chương trình còn trao tặng học bổng cho con em các gia đình có thành tích xuất sắc trong học tập nhằm động viên tinh thần, giúp các em tự tin vươn lên học tập tốt.
"Từ nguồn vốn này, chúng tôi hi vọng bà con có thêm động lực vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, sử dụng vốn đúng mục đích để tăng gia sản xuất, mở rộng đầu tư chăn nuôi mang lại hiệu quả cao để phát triển kinh tế gia đình", ông Liên gửi gắm.
Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ - cho biết những năm gần đây bà con nông dân Bến Tre gặp quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn mùa khô 2020.
Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nhiều hộ dân đã cố gắng vươn lên nhưng gặp nhiều khó khăn nên khó tránh khỏi chuyện thất bát.
"Trước thực tế đó, báo Tuổi Trẻ cùng GREENFEED đã bàn thảo và tìm cách để hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân. 20 triệu ban đầu có thể là số vốn không lớn nhưng đó là một động lực lớn lao để bắt đầu cho một sự khởi đầu, tạo điều kiện thuận lợi để bà con khởi nghiệp", ông Xuân Toàn nói.
Đại diện GREENFEED trao quà cho các em học sinh là con em của các hộ nông dân có thành tích học giỏi - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Lãnh đạo Hội Nông dân Bến Tre trao vốn cho các hộ dân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ trao quà cho các hộ dân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Năm 2020, chương trình "Tiếp sức nhà nông" sẽ trao vốn cho các hộ nông dân tại các tỉnh Bến Tre, Bình Định, Hưng Yên và Hải Dương hơn 1,84 tỉ đồng cho 80 hộ nông dân. Khởi động từ năm 2010, chương trình "Tiếp sức nhà nông" là chương trình tiếp nối của "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" do báo Tuổi Trẻ và GREENFEED tổ chức.
Sau 10 năm, tính đến nay chương trình đã giúp cải thiện sinh kế cho hơn 2.000 hộ nông dân tại 16 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Tổng số vốn không lãi suất đã trao là hơn 50 tỉ đồng, với tỷ lệ thu hồi vốn đạt 93% và tỷ lệ thoát nghèo đạt 38%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận