Phóng to |
Đại diện Hội Khuyến học tỉnh Bình Thuận trao quà cho các em học sinh nghèo, học giỏi trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 314 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Bình Thuận ngày 25-3-2012 - Ảnh: Tiến Thành |
Hơn 800.000 thí sinh tham gia kỳ thi đại học, chắc hẳn có rất nhiều câu chuyện, bài học vượt khó. Đằng sau những bước chân rụt rè vào phòng thi là 12 năm tôi luyện và biết bao khắc nghiệt mà các em phải vượt qua trong cuộc sống đầy khó khăn. Bên cạnh các em là những bàn tay chai sần, những đôi mắt thâm quầng của cha mẹ ngày tháng rong ruổi kiếm kế mưu sinh để bồi đắp ước mơ cho các em.
Chúng ta sẽ không quên được hình ảnh của em Trần Thị Gương (Bình Phước), trước ngày đến TP.HCM thì người cha đành kêu bán một con chó trong đàn chó bốn con của gia đình được 270.000 đồng làm lộ phí cho em đi thi. Hay em Dương Đình Hội, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, người cha tật nguyền phải rời bỏ quê nhà đến thành phố bán vé số để em đến trường học tập và rất nhiều câu chuyện khác...
Trong khi chờ đợi tin vui trúng tuyển, nhiều bạn trẻ sẽ phải bôn ba đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống phụ giúp gia đình. Rồi đôi bàn tay, đôi vai chai sần, những đôi chân đất của người cha, người mẹ... sẽ bươn chải nhiều hơn, bao nhiêu mong đợi con em mình trúng tuyển là bấy nhiêu nỗi lo lắng trăn trở, lo toan về số tiền nhập học.
Và càng đáng trân trọng hơn nữa sự chung tay, chia sẻ của xã hội để tiếp sức ước mơ góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho đất nước. Trong mười năm qua, chương trình “Tiếp sức đến trường” dành cho học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng do báo Tuổi Trẻ phát động đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những tân sinh viên nghèo.
Sự ra đời của Câu lạc bộ nghĩa tình Quảng Trị, tiếp đến là câu lạc bộ tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức... là những người con của quê hương đang sinh sống, lập nghiệp khắp trong và ngoài nước hướng về quê nhà.
Trong mười năm, chương trình tiếp sức cho hơn 7.000 tân sinh viên đến giảng đường đại học với tổng kinh phí trên 30 tỉ đồng. Dù đã tổ chức ở khắp vùng miền đất nước, nhưng mỗi nơi đến đều là những câu chuyện khó quên mà những người thực hiện chương trình đôi khi cảm thấy day dứt, nghẹn ngào vì không thể giúp được nhiều hơn.
Ngày càng nhiều những tấm gương vượt khó, đâu đó trong những làng quê nghèo hay nơi góc phố... vẫn còn nhiều bạn trẻ phải ngậm ngùi gác giấc mơ đại học để tìm kế sinh nhai. Dù biết rằng tình hình kinh tế hiện nay có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng chúng tôi tin rằng bạn đọc sẽ luôn đồng hành tiếp sức cho giấc mơ đẹp của những bạn trẻ đầy niềm tin, khát khao trau dồi tri thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận