1. Người Nam Bộ hay nói rút gọn. Trong giao tiếp hằng ngày, thay vì nói "chút xíu" người ta thường nói "xíu":
(1) - Xong chưa? - Xíu nữa.
(2) - Đau lắm hả? - Xíu thôi mà.
Cách rút gọn này thể hiện trong xưng gọi. Gọi là nội, ngoại chứ không gọi là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
(3) - Ngoại, ngoại, má con đâu, má con đâu ngoại? (Tiểu thuyết Hòn đất, Anh Đức)
Để tạo sự thân mật gần gũi khi nói với cháu, cô hay dì cũng xưng tên hoặc thứ mà không xưng là cô Hai, dì Út rồi gọi cháu là con hoặc hai đứa, mấy đứa:
(4) - Hai đứa ở nhà, Út đi một chút rồi về liền.
Thú vị là cách rút gọn này không xảy ra với chú và cậu, nghĩa là với nam giới.
Trong gia đình, quan hệ anh chị em rất thân thiết. Người em thường gọi chị Hai của mình là Hai, ít khi gọi là "chị Hai". Người chị cũng xưng như thế.
(5) - Hai để đó em làm được mà. (Phim truyền hình Nếu còn có ngày mai)
(6) - Em đưa má về nghỉ, lát Hai về sau. (Phim truyền hình Hoa cúc vàng trong bão)
Ở ngôi thứ ba, cách gọi hai tiếng "ông ấy" được nhập thành "ổng". Cách nhập tiếng này (trừ bác, chú, thím) cũng xảy ra ở hàng loạt từ hô gọi khác nữa: cổ, bả, ảnh, chỉ, cẩu, mở, dỉ, dưởng...
(7) - Chỉ hỏi thăm anh hoài hà.
Kiểu rút gọn này cũng thường dùng khi nói về địa điểm, nơi chốn: trong ấy -> trỏng, trên ấy -> trển; bên ấy -> bển... (Nó qua bển rồi).
2. Cách rút gọn này còn ảnh hưởng tới một số kết cấu ngữ pháp:
(8) - Một anh chàng bị lật xe trước sân, rồi chị Hương ra tay săn sóc hổm nay. (Tiểu thuyết Đò dọc, Bình Nguyên Lộc)
(9) - Hổm rày em bịnh không đi học được.
Ở hai câu trên là sự rút gọn "từ hôm ấy đến hôm nay" -> hổm nay; "mấy hôm nay" -> hổm rày.
Tương tự, người ta rút gọn "từ thuở ấy/nào đến nay" -> thuở nay; "từ thuở ấy/nào đến giờ" -> thuở giờ.
(10) - Chị em bây hòa thuận với nhau thuở giờ như bát nước đầy, cả nhà đầm ấm mấy mươi năm nay. (Đò dọc, Bình Nguyên Lộc)
3. Hiện tượng rút gọn những từ phiếm định và từ chỉ định đi kèm các từ chỉ lượng hoặc tính từ cũng làm nên một đặc điểm của phương ngữ Nam Bộ:
(11) - Lâu quá không gặp, không biết nó bao lớn rồi. (lớn bao nhiêu -> bao lớn)
(12) - Từ đây đến đó còn bao xa nữa? (xa bao nhiêu -> bao xa)
(13) - Nó bị u đầu một cục bây to vầy nè. (to bằng chừng này -> bây to)
(14) - Mới bây lớn mà đã đua đòi. (lớn bằng chừng này -> bây lớn)
(15) - Thua cũng đâu có gì buồn, vì sức mình chỉ có bi nhiêu. (Bút Sài Gòn, báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 13-5-2017) (nhiều bằng chừng này -> bi/bây nhiêu).
Đến lượt bao nhiêu, bấy nhiêu cũng được rút gọn thành nhiêu.
(16) - Nải (chuối) này nhiêu vậy cô?
(17) - Tưởng gì chứ loại này nhiều lắm. Anh thích nhiêu tôi tặng nhiêu. (Trong câu này, từ nhiêu vừa thay kết cấu hỏi (bao nhiêu) vừa thay thế cho kết cấu xác định (bấy nhiêu)).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận