"Vị"
Trong một bài viết kêu gọi "đừng bài xích hay tẩy chay người ngoại quốc, bất kể là người nước nào trong thời điểm nhạy cảm này", tác giả đã liên tục đệm chữ "vị" cho mọi hành khách trên xe. Ai cũng là "vị khách" thay vì viết một cách trung tính là "hành khách", "người khách".
Nếu không lầm, chỉ dăm ba năm gần đây mới thấy chữ "vị" được dùng "lạm phát" như thế.
Thật khó hiểu khi chúng tôi được dạy rằng chữ "vị" được dùng để bày tỏ sự tôn kính, trân trọng. Hai chữ "quý vị" trong lời mở đầu "Kính thưa quý vị" chỉ sự trân trọng đó.
Thế nhưng, không phải hễ nói tới bất cứ người nào, cho dù là bác sĩ, giáo sư, quan chức... cũng đều có thể thêm chữ "vị", mà chỉ khi nào người đó là một nhân vật đáng kính trọng hoặc xuất hiện trong một tình huống đáng nể phục.
Bởi thế, thật ngán ngẩm khi chữ "vị" được gán thêm trong trường hợp những người được nhắc đến không hề là hiện thân của sự đáng kính mà lại là "kẻ dữ": "Vị cán bộ này còn đập tay nhiều lần lên bàn, chỉ vào mặt, chửi bới, văng tục với các cán bộ làm việc..."; "Trưởng phòng LĐ-TB&XH nhận "chạy án" giá 1,5 tỉ đồng...
Thậm chí vị trưởng phòng này còn hào phóng "ủng hộ" gia đình nạn nhân 100 triệu"; "Vị khách 17 tuổi hiếp dâm con gái chủ nhà ở Sơn La". Càng ngán ngẩm hơn khi cái tựa "Vị khách 17 tuổi..." được rất nhiều báo mạng lớn nhỏ chép lại nguyên văn!
"Chăn ga"
Có một vùng miền phát âm "r" thành "g": cá rô => cá gô! Song, chưa hẳn chỉ vùng đó mới phát âm "r" thành "g". Có một vùng đọc là "ga" trong khi có vùng khác vẫn đọc là "ra" để chỉ tấm "drap" trải giường, một từ tiếng Pháp.
Cách phát âm "r" thành "g" này trở nên phổ biến trên rất nhiều bảng hiệu "bán chăn ga", có lẽ do không biết hay không nhớ từ nguyên của chữ này là "drap".
Không muốn nói cách phát âm nào là đúng hay sai, song nếu gọi là "ga", e rằng sẽ không có cơ hội hiểu ra rằng vật dụng đó cũng như từ đó có nguồn gốc từ đâu, là gì.
"Tiểu đường tuýp 2"
Trên rất nhiều bài viết, kể cả tờ chỉ dẫn sử dụng thuốc, các chữ tiểu đường "tuýp 2", "tuýp 1" thường được dùng bên cạnh tiểu đường "típ 1", "típ 2". Dường như cách gọi "tuýp 1, tuýp 2" đang trở nên phổ biến hơn, có thể thấy qua cách dùng từ của truyền thông và những bệnh viện.
Ngoài ra còn có cách viết theo nguyên văn tiếng nước ngoài như "đái tháo đường type 2 là gì?".
Thiết tưởng, đang có sự lúng túng về cách phát âm: nếu muốn đọc theo tiếng Anh, từ "type" sẽ phiên âm là "tai-p"; còn nếu muốn đọc theo tiếng Pháp, sẽ phiên âm là "típ".
Trong khi viết "tuýp" sẽ lại là phiên âm từ "tube" (ống tuýp). Thành ra, có lẽ nên dùng hẳn tiếng Việt là "tiểu đường loại 1, 2" cho chính xác hơn.
Nên dùng từ đúng nghĩa, đúng âm
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lâu nay đôi lúc còn xảy ra kiểu lỗi dùng từ Hán Việt mà ít người quan tâm, lưu ý là: dùng từ chưa phù hợp với phong cách ngôn ngữ, ngữ cảnh.
Ví dụ nhóm từ "bà xã - phu nhân - vợ" có thể xem đồng nghĩa với nhau nhưng chúng không thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Không thể nói "phu nhân tên cướp", "bà xã tổng thống"; duy có từ "vợ" mang tính chất trung tính về sắc thái có thể dùng trong cả hai trường hợp nêu trên.
Tương tự, nhóm từ "vị - tên - người" cũng cần phải được sử dụng đúng trong các ngữ cảnh cụ thể, tránh trường hợp dùng tràn lan, tùy tiện mà không quan tâm đến sắc thái ngữ nghĩa của nó.
ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận