01/03/2018 16:26 GMT+7

Tiếng Hoa thành ngôn ngữ chính thức của Pakistan?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Dư luận Pakistan mấy ngày qua sôi sục sau khi xuất hiện báo cáo cho biết tiếng Hoa đã được chọn làm ngôn ngữ chính thức của nước này. Tuy nhiên, câu chuyện không phải như vậy.

Tiếng Hoa thành ngôn ngữ chính thức của Pakistan? - Ảnh 1.

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) hiện được Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư như một phần của sáng kiến "Vành đai, Con đường" - Ảnh: AFP

Truyền thông và người dân Pakistan những ngày qua "đứng ngồi không yên" sau khi Thượng viện Pakistan thông qua một quyết định trong đó đề xuất đưa vào giảng dạy các khóa học tiếng Trung Quốc tại đất nước Nam Á này.

Sự việc trở nên rùm beng khi đài Abb Takk của Pakistan tường thuật rằng tiếng Trung Quốc đã được chọn làm một ngôn ngữ chính thức của Pakistan. Kênh tin tức bằng tiếng Urdu đăng dòng tít trên Twitter rất ư là sốc: "Nghị viện thông qua kiến nghị đưa tiếng Trung Quốc trở thành ngôn ngữ chính thức".

Đài Abb Takk còn trích dẫn một nghị quyết được thông qua bởi Thượng viện Pakistan vào ngày 19-2-2018. Nếu như vậy, chẳng lẽ quan hệ Trung Quốc - Pakistan khăng khít tới mức đất nước Nam Á này đã đưa tiếng Hoa thành ngôn ngữ chính thức thứ 3 của mình, sau tiếng Urdu và tiếng Anh?

Trong nghị quyết trên, có một đoạn có nội dung như sau: "Thượng viện đề xuất rằng, xét thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Pakistan và Trung Quốc dưới CPEC, các khóa học Ngôn ngữ Tiếng Trung Quốc Chính thức cần được mở cho tất cả người dân Pakistan - nguồn nhân lực CPEC để vượt qua bất kỳ rào cản giao tiếp nào".

"Thông tin trên rõ ràng đã bị suy diễn sai", đài BBC ngày 28-2 nhận định. Cụm từ "các khóa học Ngôn ngữ Trung Quốc Chính thức" không đồng nghĩa với việc tiếng Hoa được chọn là ngôn ngữ chính thức của Pakistan như đài Abb Takk tường thuật.

Bắc Kinh bắn tin: điều máy bay hiện đại tập trận để chống Ấn Độ Báo Trung Quốc "tự sướng" trước sự cố tàu ngầm của Ấn Độ Ấn Độ mở căn cứ hải ngoại, quyết không theo sau Trung Quốc

Thông tin của đài Abb Takk sau đó tiếp tục được nhiều tờ báo của Ấn Độ đăng tải. Thậm chí các nhân vật đình đám như cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ Hussain Haqqani cũng dẫn lại bản tin của đài Abb Takk.

"Trong một khoảng thời gian ngắn 70 năm, Pakistan đã thúc đẩy 4 ngôn ngữ vốn không phải tiếng mẹ đẻ của nhiều người ở Pakistan trở thành ngôn ngữ chính thức - tiếng Anh, tiếng Urdu, tiếng Ả Rập và giờ là tiếng Trung Quốc - mà phớt lờ các ngôn ngữ bản địa" - ông Haqqani đăng trên Twitter.

Tiếng Hoa thành ngôn ngữ chính thức của Pakistan? - Ảnh 3.

Pakistan "chăng đèn kết hoa" chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pakistan hồi năm 2015 - Ảnh: AFP

Trước việc báo cáo trên được lan truyền rộng rãi, Thượng viện Pakistan đã phải phát tuyên bố làm rõ thực hư. Thượng viện Pakistan nói rằng họ chỉ đơn thuần đang khuyến khích học tiếng Trung để tăng cường hợp tác với Bắc Kinh.

Một số tờ báo Ấn Độ sau đó cũng rút lại báo cáo họ đã trích dẫn. Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc lúc bấy giờ cũng "nhân tiện" vụ này để chỉ trích New Delhi.

"Truyền thông Ấn Độ lan truyền tin giả để phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan" - Hoàn Cầu Thời báo hôm 21-2 dẫn lại lời nhà nghiên cứu Hu Zhi Yong tại Học viện khoa học xã hội Thượng Hải.

Hiến pháp năm 1973 đã công nhận Urdu là quốc ngữ duy nhất của Pakistan. Tuy nhiên, vì các mục đích thiết thực, tiếng Anh cũng được xem là một ngôn ngữ chính thức. Hầu hết các bộ, ngành Pakistan sử dụng tiếng Anh.

Pakistan cũng có một vài ngôn ngữ bản địa. Trong đó, Punjabi là tiếng bản địa được dùng phổ biến nhất với 48% dân số sử dụng. Tuy nhiên, ngôn ngữ này lại không có một vị trí chính thức trong luật pháp Pakistan.

CPEC là viết tắt của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Đây là một siêu dự án nằm trong sáng kiến "Vành đai, con đường" nhằm kết nối Pakistan với Trung Quốc thông qua một loạt dự án trên bộ và trên biển với tổng số tiền đầu tư gần 62 tỉ USD.

Việc Thượng viện Pakistan hôm 19-2 đề xuất thúc đẩy các khóa học "Ngôn ngữ Trung Quốc Chính thức" được cho nhằm tạo nguồn nhân lực Pakistan biết tiếng Trung tăng lên, giúp việc hợp tác giữa hai bên thuận lợi hơn.

Pakistan chết đứng với Vành đai, Con đường của Trung Quốc Trung Quốc nhảy vào ‘vỗ về’ Pakistan trong mâu thuẫn với Mỹ Trung Quốc sắp có căn cứ hải quân ở Pakistan
BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp