01/11/2016 11:30 GMT+7

Tiếng cười sinh viên nói không với hài xàm, nhảm, giả gái

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Không ồn ào như các game show thời thượng, các chương trình truyền hình thực tế, Tiếng cười sinh viên phát sóng lúc 18g chủ nhật hằng tuần trên sóng HTV7 phản ánh góc nhìn của bạn trẻ về những vấn đề xã hội bằng tiếng cười rất sinh viên.

*** Error ***
Tiết mục Lile là làm của đội Bóng Đêm (ĐH Luật TPHCM) - Ảnh: NGUYỄN LỘC

Chất sinh viên được giữ ngay từ đầu khi ban tổ chức để các nhóm sinh viên chủ động chuẩn bị về kịch bản, đạo cụ, trang phục. Một đội ngũ huấn luyện viên với sự tham gia của các nghệ sĩ như: Ngọc Trinh, Hữu Nghĩa, Phương Bình, Ngọc Tưởng... được ban tổ chức mời đến xem kịch bản và đóng góp ý kiến, giúp các thí sinh tự điều chỉnh để đưa ra tiểu phẩm hoàn chỉnh nhất.

Cách làm này nhiều khi làm khó huấn luyện viên vì không được thọc tay vô sâu, nhưng phải làm sao giúp các bạn trẻ làm nên một tiểu phẩm hấp dẫn. Đạo diễn Nguyễn Đức Bảo - đảm nhiệm khâu tổ chức biểu diễn của sân khấu 5B, đóng vai trò tổng điều phối huấn luyện viên - chia sẻ:

“Thường chúng tôi đọc kịch bản trước và góp ý các em hoàn thiện kịch bản. Sau khi các em tập xong, chúng tôi xem lại và góp ý lần nữa. Hài sinh viên không rần rần, mà đi vào câu chuyện ý nhị, dí dỏm. Ở chương trình này, chúng tôi chú trọng hướng các em đi vào tình huống gây hài hơn thủ pháp gây hài cá nhân”.

Phần thí sinh tham gia chương trình được “giao khoán” cho Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM. Anh Dương Trọng Phúc - phó giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM - hào hứng: “Điều tôi thích ở chương trình là chất sinh viên rất rõ. Dù chưa chuyên nghiệp lắm nhưng gần gũi với tâm tư, tình cảm của sinh viên”.

Đội Bóng Đêm (ĐH Luật TPHCM) - Ảnh: NGUYỄN LỘC

 

“Chúng tôi định hướng là phải tạo tiếng cười sạch, nói không với các tiểu phẩm xàm, nhảm, giả gái... Biết với các tiêu chí như thế sẽ không thể chiều theo thị hiếu khán giả như một số chương trình hài thời thượng đang lạm dụng, nhưng chúng tôi chấp nhận để giữ tiếng cười lành mạnh cho sinh viên" - đạo diễn chương trình Lê Ngọc Lượng

Trong khi đó, đạo diễn chương trình Lê Ngọc Lượng nhận xét: “Hài là thể loại khó, sinh viên lại không chuyên trong việc diễn hài. Thế nhưng bù lại các bạn có nhiệt huyết, hào hứng và sáng tạo. Đặc biệt, chúng tôi định hướng là phải tạo tiếng cười sạch, nói không với các tiểu phẩm xàm, nhảm, giả gái, uốn éo đồng tính...

Biết với các tiêu chí như thế sẽ không thể chiều theo thị hiếu khán giả như một số chương trình hài thời thượng đang lạm dụng, nhưng chúng tôi chấp nhận để giữ tiếng cười lành mạnh cho sinh viên”.

Tiếng cười sinh viên không mạnh về bề nổi, dù còn có độ chênh nhau giữa các tiểu phẩm nhưng đã gây được cảm tình nhờ những cảm xúc chân thành, có lồng ghép quan điểm của người trẻ về những sự kiện của xã hội dưới lăng kính bi hài.

Xem tiết mục Like là làm của đội Bóng Đêm (Đại học Luật TP.HCM) sau những trận cười nghiêng ngả về thói cuồng like, “bao lầy” của những người nghiện FB là sự nghẹn ngào, đắng chát về hậu quả khủng khiếp của những cú nhấp “like”, “share” tưởng hết sức đơn giản.

Tiết mục Đại học chứ không học đại của nhóm Líu Lo (Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) gây “náo loạn” trên sân khấu bởi... ba con ma chết xuống âm phủ mà còn quậy, không chịu đầu thai.

Lý do vì họ uất ức, chẳng hiểu sao mình cũng học đàng hoàng, có người học tới thạc sĩ mà vẫn thất nghiệp, vướng phải bi kịch. Hóa ra bởi đại học mà thật ra là học đại, học không đúng sở trường, khả năng của mình, giỏi lý thuyết mà thiếu kỹ năng sống, thiếu sự năng động.

Tiết mục Đại học chứ không học đại của đội Líu Lo (ĐH Sân khấu - Điện ảnh Tp.HCM) - Ảnh: Nguyễn Lộc

Chia sẻ về hành trình diễn hài không chuyên này, Tống Ngọc Hiếu - trưởng nhóm Bóng Đêm - hào hứng kể:

“Các bạn trong đội vốn yêu thích trò chơi Ma sói, nên quyết định lấy cảm hứng từ trò chơi này làm chìa khóa cho tiểu phẩm có hơi hướng hình sự, kinh dị, dẫn dắt người xem đến một hệ lụy rất nặng nề từ việc like, share thiếu ý thức trong cộng đồng.

Lần đầu duyệt tiểu phẩm, nhóm bị chê thiếu mảng miếng hài nên còn khô cứng. Phản ánh vấn đề xã hội mang một thông điệp rõ ràng đã khó, phản ánh dưới một lăng kính hài hước càng khó hơn. Tuy sau đó phải thay đổi kết cấu, nhân vật, thả miếng hài vô sao cho duyên khá vất vả, nhưng khi hoàn thành ai cũng thấy thú vị về đứa con tinh thần của mình”...

Tiếng cười sinh viên do Công ty Đạt Film, Đài truyền hình TP.HCM và Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM phối hợp tổ chức đã bước qua mùa thi thứ hai với 35 tiết mục dự thi. Đối tượng tham gia là sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Nam.

Gần một năm phát sóng, ban tổ chức chọn ra tám đội vào vòng chung kết với phần thi tiểu phẩm dài 12 phút theo chủ đề được bốc thăm, tiếp đó là phần thử thách Áp lực do ban giám khảo đưa ra và chỉ được chuẩn bị trước 15 phút để diễn cùng các nghệ sĩ khách mời (gồm có Lê Bình, Cát Phượng, Phương Dung, Lê Vinh, Phương Bình, Thụy Mười...).

Điểm ban giám khảo chiếm 70%, 30% còn lại phụ thuộc số lượng bình chọn của khán giả. Ngày 30-10, HTV7 đã phát sóng số đầu tiên của vòng thi chung kết. Sau tám tuần phát sóng, tuần thứ 9 sẽ là buổi gala tổng kết trao giải.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp