Đó là Trường THCS Thị Trấn 2 Củ Chi. Theo chia sẻ từ thầy Kim Văn Minh, hiệu trưởng trường thì ngay từ đầu tháng 8, trường đã tổ chức họp phụ huynh khối 6 để giới thiệu và triển khai chương trình, đồng thời cũng nêu những kết quả chương trình đạt được khi thực hiện tại các trường trong nội thành thời gian qua.
Điều bất ngờ là chương trình nhận được rất nhiều sự ủng hộ của phụ huynh. Thầy Kim Văn Minh - hiệu trưởng trường cho biết: “Trong giai đoạn đầu, chúng tôi rất vui mừng vì đã mở được 1 lớp TATH trong điều kiện cơ sở vật chất còn khá hạn chế, khoảng cách giữa ngoại thành và nội thành còn khá xa xôi. Để triển khai, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ cũng như có những đánh giá, phân tích từ kết quả những em học sinh đã học qua. Từ đó, chúng tôi nhận được sự đồng thuận của rất nhiều phụ huynh”.
Một điều thú vị là, theo thầy Minh, hiện tại ngoài 35 em được tham gia vào lớp tích hợp, còn hơn 10 phụ huynh cũng có nhu cầu và tha thiết mong muốn cho con mình theo học lớp THAT nhưng vì sỉ số không đảm bảo nên không thể mở thêm lớp.
Sở dĩ dù chương trình lần đầu được triển khai trên địa bàn huyện nhưng nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhiều phụ huynh, theo thầy Minh là do rất nhiều phụ huynh có người thân đang có con theo học chương trình tại các trường trong nội thành. Tất cả đều đánh giá rất cao về chương trình nên họ cũng muốn con em mình có cơ hội được học một chương trình tiên tiến và ưu việt như thế.
Theo chia sẻ đến từ đối tác thực hiện chương trình Tiếng Anh tích hợp trên địa bàn thành phố là EMG, để đảm bảo chương trình được thực hiện tại Củ Chi, chi phí bỏ ra rất cao. Tuy nhiên, bài toán kinh tế gần như không được phía công ty đặt nặng mà ý nghĩa chính trị mới là điều quan tâm hàng đầu.
Đại diện EMG cho biết, mang những chương trình ưu việt đến với học sinh của vùng đất thép anh hùng, giúp đưa giáo dục nơi đây tiệm cận với trình độ của các quận trung tâm là trách nhiệm xã hội đầy ý nghĩa mà EMG rất vinh dự được đóng góp thông qua việc đưa chương trình Tiếng Anh tích hợp vào giảng dạy trong năm học mới này.
Quả thật, có đồng hành cùng các giáo viên nước ngoài cùng nhân viên hỗ trợ cho chương trình trên hành trình hơn 1g30 phút di chuyển bằng ô tô để đến lớp mới hiểu được những khó khăn cũng như tâm huyết của những người thực hiện chương trình. Phía EMG cũng có những động viên cũng như sự quan tâm đặc biệt đến những giáo viên tham gia giảng dạy tại đây.
Bà Nguyễn Thị Loan – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi nhận định: “Phải nói rằng chương trình TATH là một chương trình tiên tiến đã được lan tỏa tại nhiều trường học tại TPHCM thời gian qua. Địa bàn huyện Củ Chi so với các quận, huyện khác có những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế gia đình của người dân còn nhiều khó khăn… Lúc đầu, chúng tôi cảm thấy rất khó để có thể mở được một lớp TATH trên địa bàn. Tuy nhiên, xác định rằng với chương trình học này, ngoài việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh còn tạo điều kiện để các em được phát triển tư duy, năng lực của mình nên chúng tôi quyết tâm thực hiện”.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chương trình THAT tại TPHCM nói chung cũng như việc lần đầu chương trình được đưa vào giảng dạy tại Củ Chi nói riêng. Ở góc độ là một phụ huynh, bà cũng rất muốn con mình sẽ theo học chương trình mà theo bà đánh giá là tiên tiến, hội nhập với giáo dục thế giới này, tuy nhiên tiếc rằng năm nay chương trình chưa thể triển khai ở cấp tiểu học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận