18/09/2024 10:27 GMT+7

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Các nước thực hiện ra sao?

Nhiều nước đã thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên không phải không có thử thách.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Các nước thực hiện ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh trong giờ học tiếng Anh tại Hà Lan - Ảnh: EXPATICA

Nhiều nước đã thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên không phải không có thử thách.

Trong bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI do Tổ chức giáo dục EF thống kê hằng năm, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu nhiều năm qua. Mới nhất vào năm 2023, Hà Lan lại một lần nữa xếp thứ nhất.

Gỡ nút thắt giáo viên

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từ những năm 1990 tiếng Anh đã được coi là môn học chính ở Hà Lan cùng với toán và tiếng Hà Lan. Để tốt nghiệp trung học, học sinh Hà Lan phải vượt qua một kỳ thi quốc gia bằng tiếng Anh, chiếm một nửa điểm cuối kỳ, nửa còn lại lấy từ điểm kiểm tra trong trường.

Học sinh Hà Lan học tiếng Anh từ bậc tiểu học. Sang trung học, học sinh sẽ theo học phân luồng với ba hướng đi chính, một là luồng học để vào trường nghề (VMBO), hai là luồng học để vào đại học ứng dụng (HAVO), ba là luồng học để vào đại học nghiên cứu (VWO).

Với mỗi luồng, học sinh được học với cường độ và trình độ tiếng Anh tương ứng, để sau khi ra trường có thể đạt trình độ A2 - B1 với VMBO, B1 - B2 với HAVO và B2 - C1 với VWO theo khung tham chiếu chung của châu Âu.

Các chuyên gia của OECD cho rằng thành công của việc giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở Hà Lan có sự góp phần không nhỏ của việc phát triển các trường song ngữ. Có hơn 150 trường song ngữ đang hoạt động hiệu quả tại Hà Lan, giảng dạy chương trình theo tiếng Hà Lan - Anh. Khoảng 30 - 50% các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh từ khoa học đến địa lý, lịch sử thậm chí giáo dục thể chất, tuy nhiên học sinh vẫn phải đảm bảo chương trình chuẩn của Hà Lan.

Ngoài ra, theo một khảo sát của OECD, học sinh Hà Lan được khuyến khích và có rất nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh bên ngoài nhà trường. Học sinh có thể xem video, chơi game, nghe nhạc, tham gia mạng xã hội, đọc sách và nghe podcast bằng tiếng Anh. Khoảng một nửa học sinh trong một cuộc khảo sát cho biết các em luôn dùng tiếng Anh khi sử dụng thiết bị số.

Mặc dù có nhiều thành công nhưng Hà Lan cũng phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên. Muốn dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, các trường Hà Lan phải đảm bảo có đủ đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh ít nhất trên trung cấp, tiệm cận cao cấp.

Lưu ý ở đây họ không phải là giáo viên tiếng Anh mà là giáo viên các bộ môn, chẳng hạn một giáo viên chuyên môn địa lý, lịch sử đồng thời có thể sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy ở trình độ tiệm cận cao cấp.

Theo OECD, đây là trở ngại không hề dễ, đòi hỏi nhiều trường học và địa phương tại Hà Lan có các chương trình đào tạo cho các giáo viên bản ngữ đã có một chuyên môn có thể dạy thành thạo bằng tiếng Anh hoặc dạy song ngữ tiếng Hà Lan - Anh.

Các khóa đào tạo phải liên tục cập nhật, kết hợp được về cả tiếng Anh lẫn nội dung chuyên môn như khoa học, lịch sử, địa lý... mà mỗi thầy cô giáo đang có.

Áo: khoảng cách giữa các địa phương

Áo cũng là quốc gia nằm trong top đầu bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI. Năm 2023 Áo đứng thứ ba sau Hà Lan và Singapore.

Theo trang tin The Local (Áo), từ năm học 2024 - 2025, hệ thống giáo dục tại Áo gia tăng các môn học được dạy bằng tiếng Anh trong hầu hết tất cả các trường phổ thông. Trước đó, nhiều trường tại Áo đã có các chương trình dạy song ngữ tiếng Anh và tiếng Đức (ngôn ngữ chính thức tại Áo). Đến năm 2022, bộ giáo dục nước này đệ trình một dự thảo luật gia tăng số tiết dạy các môn học bằng tiếng Anh và được triển khai rộng rãi từ năm học này.

Mục đích là để đảm bảo học sinh được phát triển cân bằng cả về tiếng Đức lẫn tiếng Anh, trong đó có thể chạm đến trình độ tương tự như người bản xứ với ngôn ngữ thứ hai. Áo cũng sẽ tiến tới thành lập ít nhất trường trung học ở mỗi vùng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong mỗi 31 khu vực giáo dục của Áo.

Tuy nhiên, thách thức của Áo là tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương. Trong nghiên cứu được công bố năm 2022, TS Elizabeth J Erling từ ĐH Vienna (Áo) chỉ ra mặc dù tiếng Anh được dạy cho tất cả học sinh nhưng mức độ thành thạo của các em không giống nhau.

Kết quả học tập tiếng Anh tệ nhất là ở các trường trung học thành thị có nhiều học sinh xuất thân trong gia đình địa vị kinh tế - xã hội thấp và tiếng Đức lại không phải ngôn ngữ đầu tiên. Hoàn cảnh và cơ hội thực hành tiếng Anh của học sinh khác nhau ở nhiều khu vực, tác động gián tiếp đến chất lượng các giờ học bằng tiếng Anh trong trường phổ thông.

Do vậy, chính quyền hiện phải tính toán phân bổ nguồn lực, chương trình và tăng cường thêm các trung tâm, cơ sở bổ trợ tiếng Anh miễn phí ở những vùng trình độ còn thấp để sớm thu hẹp khoảng cách.

Chỉ số thành thạo tiếng Anh của Việt Nam xếp hạng 58

Bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI được Tổ chức giáo dục EF công bố thường niên từ các nghiên cứu ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ấn bản năm 2023, EF chia các quốc gia và vùng lãnh thổ thành năm nhóm theo thang điểm chỉ số tiếng Anh: thông thạo rất cao, thông thạo cao, trung bình, thấp và rất thấp. Việt Nam xếp hạng 58, thuộc nhóm trung bình.

Có 12 quốc gia nằm trong nhóm thông thạo rất cao, xếp từ trên xuống lần lượt là Hà Lan, Singapore, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Đức, Croatia, Hy Lạp.

Các nước Bắc Âu: mở rộng phương pháp CLIL

Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) và ĐH Gothenburg (Thụy Điển) đăng tải trên tạp san Nordic Journal of Language Teaching and Learning năm 2023 cho thấy phương pháp phát triển tiếng Anh trong các trường học Bắc Âu được khéo léo tích hợp nội dung và hoạt động học tập trong nhiều môn học.

Học sinh không chỉ học tiếng Anh như một môn học ngôn ngữ mà còn sử dụng tiếng Anh để bổ trợ việc học trong các môn như khoa học, công nghệ, nghệ thuật, khoa học xã hội.

Đây gọi là phương pháp học tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL). Chẳng hạn một số trường trung học tại Thụy Điển yêu cầu học sinh dùng tiếng Anh để tìm kiếm tài liệu hoặc thực hiện một số buổi thuyết trình cho các môn kinh tế gia đình.

Cách làm này được đánh giá có hiệu quả cao trong việc cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh, giúp học sinh phát triển kỹ năng liên văn hóa và khả năng tư duy phản biện.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Các nước thực hiện ra sao? - Ảnh 2.TP.HCM thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Chọn mô hình nào?

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ dạy học thứ hai trong nhà trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp