Với việc lấn sân mạnh của Trung Quốc, sự xuất hiện của các ngôi sao nước này như Phạm Băng Băng cũng trở nên thường xuyên hơn trong các tác phẩm điện ảnh Hollywood - Ảnh: SCMP
Những năm qua, Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng mạnh lên ngành công nghiệp phim toàn cầu, đặc biệt với thế giới Hollywood. Bắc Kinh muốn hình ảnh của Trung Quốc trong các bộ phim của người Mỹ trở nên đẹp hơn. Nhưng để người Mỹ chiều theo ý mình, Trung Quốc phải làm gì?
Tại hội nghị phim Trung - Mỹ ở Los Angeles hồi năm 2013, bà Zhang Xun, chủ tịch lúc bấy giờ của Công ty hợp tác sản xuất điện ảnh Trung Quốc (CFCC), từng tuyên bố: "Chúng tôi có một thị trường rộng lớn và chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Nhưng chúng tôi muốn những bộ phim đầu tư mạnh về văn hóa Trung Quốc, chứ không phải chỉ một hay hai cảnh. Chúng tôi muốn thấy những hình ảnh tích cực về Trung Quốc".
Trailer phim The Great Wall (2016)
Bài phát biểu đã cho thấy quá rõ tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực phim ảnh. Họ muốn hình ảnh của Trung Quốc trở nên đẹp hơn trong mắt khán giả.
Và thế là bộ phim The Great Wall (Vạn Lý Trường Thành), một sản phẩm hợp tác Trung - Mỹ với số tiền đầu tư 150 triệu USD, đã ra đời vào năm 2016. Dù chưa tạo nên tiếng vang về doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ, bộ phim đã cho thấy Trung Quốc thật sự đang từng bước chi phối các kịch bản phim Hollywood nói về Trung Quốc.
12 bộ phim Hollywood có doanh thu cao nhất có sự góp mặt của Trung Quốc về mặt tài chính từ năm 1997 tới 2013 - Ảnh: NEW YORK TIMES
Tuy nhiên, với số tiền quá khủng, những bộ phim hợp tác kiểu vậy vẫn chưa đủ. Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình với Hollywood bằng việc tài trợ cho hàng loạt bộ phim mà họ đánh giá là có tiềm năng gây nên tiếng vang.
Theo báo New York Times, trong top 100 bộ phim có doanh thu cao nhất trên thế giới từ năm 1997 đến 2013, Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho 12 phim Hollywood. Nhưng chỉ trong 5 năm sau đó, Trung Quốc đã đồng tài trợ tài chính cho 41 phim Hollywood có doanh thu cao nhất.
41 bộ phim Hollywood có doanh thu cao nhất mà Trung Quốc đồng tài trợ tài chính từ năm 2014 tới 2018 - Ảnh: NEW YORK TIMES
Nếu việc phải đổ tiền tài trợ buộc các nhà làm phim Hollywood phải kiêng nể khi nói về Trung Quốc thì có một công cụ vô hình khác lợi hại hơn nhiều. Đó là Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ quá lớn.
Hệ thống rạp phim nở rộ của Trung Quốc đã trở thành mật ngọt hấp dẫn trước đôi mắt của "con ong" Hollywood trong bối cảnh doanh thu phòng vé ở Bắc Mỹ ngày càng giảm cũng như các thách thức do Amazon và Netflix đặt ra.
Theo trang Variety, các phim chiếu rạp ở Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2018 đã thu về 3,17 tỉ USD, qua mặt Mỹ (2,89 tỉ USD). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường tỉ dân vượt qua thị trường Bắc Mỹ.
Hollywood, nơi đại diện cho ngành giải trí và điện ảnh của Mỹ, đang dần in nhiều dấu chân của người Trung Quốc - Ảnh: GETTY
Tuy nhiên, "bãi đáp" rộng mà các nhà Hollywood hướng tới có một nguyên tắc bất thành văn: đó là phải làm sao cho Trung Quốc thật đẹp!
Khi những nhà sáng tạo của phim Pixels muốn làm cảnh một vụ nổ tại Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc hồi năm 2015, những người đứng đầu Hãng Sony thời điểm đó lo ngại chính phân cảnh này sẽ ngăn bộ phim tiến bước vào thị trường tỉ dân. Cuối cùng, họ quyết định thực hiện vụ nổ ở đền Taj Mahal của Ấn Độ để thay thế.
Nhân vật "The Ancient One" trong truyện của Marvel (trái) và "The Ancient One" trên phim "Doctor Strange" (2016) - Ảnh: NEW YORK TIMES
Thập niên 1960, Marvel Comics từng cho ra mắt một nhân vật bậc thầy huyền bí tên "The Ancient One" (Thượng Cổ Tôn Giả) trong vũ trụ siêu anh hùng. Trong nguyên tác truyện tranh, nhân vật này được phác họa là một người đàn ông lớn tuổi sinh ra ở Tây Tạng.
Tuy nhiên, trong phiên bản phim Doctor Strange (tên tiếng Việt: Phù thủy tối thượng) được công chiếu vào năm 2016, The Ancient One (do Tilda Swinton đóng) lại không phải người Tây Tạng, mà là người Xen-tơ (Celt).
The Ancient One cũng bị đổi giới tính sang nữ. Sự thay đổi của nhà làm phim được cho là để tránh đụng chạm tới Bắc Kinh.
Trailer phim Doctor Strange (2016)
Cách đây hai thập niên, nhiều bộ phim Hollywood thường khai thác các đề tài chỉ trích Trung Quốc. Chẳng hạn, phim Seven Years in Tibet (7 năm ở Tây Tạng) - kể về thời kỳ quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng - trở thành một trong 100 phim có doanh thu cao nhất vào năm 1997.
Tuy nhiên, giáo sư Larry Shinagawa tại Đại học quốc tế Hawaii Tokai (HTIC, Mỹ) cho biết khi các nhà làm phim khai thác những đề tài nhạy cảm như trong Seven Years in Tibet, tác phẩm của họ có nguy cơ cao sẽ bị cấm tuyệt đối tại Trung Quốc.
Và tất nhiên, hiện nay, khi lợi nhuận là thước đo hàng đầu đối với sự thành công của các bộ phim, các nhà làm phim Hollywood không muốn mình là nhân vật chính trong viễn cảnh đó.
Giới chuyên gia nhận định khi các công cụ tuyên truyền của Trung Quốc vẫn chưa thấy sự hiệu quả, Bắc Kinh sẽ tận dụng thế giới Hollywood, nơi vốn đã sở hữu những thành công đáng gờm, để đem các thông điệp của họ đi xa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận