Thu Trang nhận giải nhì báo chí với loạt bài “Thâm nhập sòng bài 5 sao“ - Ảnh: NV cung cấp |
“Hơn 10 năm làm báo, chưa bao giờ tôi “đủ ăn” nhờ tiền lương và nhuận bút. Những đề tài điều tra thường lấy của tôi rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Tôi bán rau sạch, bán hoa tươi, bán nông sản sạch của người vùng cao lấy lãi nuôi con và... nuôi đam mê nghề báo |
Loạt bài Thâm nhập sòng bạc năm sao dành cho người Việt nhận giải thưởng báo chí về thể loại điều tra năm 2012 của Hội Nhà báo TP.HCM. Nhưng đó cũng là đề tài đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này tôi phải bỏ trốn sang bên kia biên giới...
“Luật” giang hồ
Hùng “rô” - nhân vật thật sự có số má trên giang hồ, người đang bảo kê sới bạc Royal, bằng mọi cách gây sức ép cho con bạc đưa tôi thâm nhập sòng. Người đó đối với tôi chỉ đơn giản là một “con bạc” kỳ cựu. Anh ta không hề biết tôi là nhà báo, mục tiêu duy nhất của tôi là thu thập thông tin để viết bài.
Nhưng muốn vào được chốn “hoa ăn thịt người” ấy, tôi đã buộc phải hóa thân làm “bồ” của một “con bạc” khét tiếng. Anh ta là kẻ hiểu đời, hiểu tình thế và sự việc thấu đáo. Anh ta không trách tôi một lời khi báo đăng, việc bảo lãnh để tôi vào sòng bị bại lộ. Tôi đã đẩy anh ta vào tình thế nguy hiểm vô cùng.
Lúc đó tôi hồn nhiên không hiểu “luật giang hồ”, phạm lỗi đó phải trả giá đắt. Tôi quên rằng sòng bài này tồn tại được sau hàng loạt cái chết như tử tù Ngô Thanh Lam thụt két ngân quỹ cơ quan hàng triệu đô đi đánh bạc, hoặc anh cán bộ ngành hải quan bị bắn chết thê thảm trên đường đến sòng... Phía sau lưng nó là “lá chắn” vô cùng kiên cố. Có lẽ bởi “quên”, nên tôi đã liều mạng vì đề tài của mình.
Loạt phóng sự về những cái chết ở Casino Royal Quảng Ninh ra đời, sòng bạc với doanh thu nhiều tỉ đồng/ngày đã phải đóng cửa một giai đoạn. Người yêu giả của tôi bị o ép, buộc phải trốn biệt.
Một đêm muộn, anh ta gọi tôi, nói: “Cô trốn ngay lập tức. Cấm thò mặt ra đường, bọn này làm thật đấy, không dọa đâu. Hằng ngày chúng nó đi theo cô từng bước. Chúng có lịch trình, thói quen... mọi thông tin văn phòng, nhà riêng của cô. Còn một số tài liệu cô chưa công bố có thể là bùa cứu cô đấy. Muốn sống thì đừng công bố thêm nữa. Lần sau cô đừng tệ với ai như với tôi”.
Tôi còn nhớ tôi đã lắp bắp xin lỗi anh ta. Nhưng anh ta gầm gừ: “Biết lỗi thì đừng có làm. Làm xong, bây giờ còn văn vở...”. Đó là những câu nói cuối cùng mà tôi được nghe từ anh ta. Sau này, khi mọi việc đã có vẻ êm trôi, tôi vài lần cố tìm anh ta. Tôi muốn gặp một lần để “tạ lỗi” nhưng không thể liên lạc được nữa. Không biết bây giờ anh ra sao?
Tòa soạn của tôi cũng bị một số sức ép vừa vô hình vừa cụ thể của những nhân vật có tầm ảnh hưởng. Đã có những can thiệp để chúng tôi phải khép lại sự việc êm ái ở kỳ thứ 4, khá tròn trịa và quả cảm. Tổng biên tập biết tình hình căng thẳng của cá nhân tôi nên đã gửi tiền và yêu cầu tôi tạm lánh mặt một thời gian để đảm bảo sự an toàn.
Hà Giang với tôi như là quê hương. Vì thế khi phải chạy trốn điều gì đó, tôi nhảy lên xe và đi thẳng về Hà Giang. Lần ấy cũng vậy. Đến Hà Giang rồi, tôi mới chợt hiểu ra mình không biết đi đâu nữa? Chẳng biết tại sao, tôi lại quyết định làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Thanh Thủy để đến Hương Ma Li Pho, Vân Nam, Trung Quốc.
Đêm đầu tiên. Tôi ngạc nhiên khi thấy cả thị trấn rợp bóng cờ hoa. Buổi tối, cả thị trấn bắn pháo hoa tưng bừng. Mãi tôi mới biết hôm đó là ngày 10-10 - quốc khánh nước họ. Cả ngàn, vạn khuôn mặt tươi cười kia đang ở một phía... còn một mình tôi một phía. Trống rỗng, cô độc. Cảm giác an toàn khi thoát khỏi biên giới bỗng dưng biến mất. Mấy ngày lạc lõng trên đất khách, tôi hoang mang tột độ. Tôi chợt nhận ra dù có thế nào mình cũng phải sống ở nơi mình đang sống.
Tiền và tình đồng nghiệp
Những năm gần đây, đi đến đâu tôi cũng gặp những người than phiền về sự xuống cấp đạo đức nghề báo. Tôi cũng từng gặp những đồng nghiệp, hồn nhiên khoe khoang “chiến tích móc túi” doanh nghiệp - người bị phản ánh thông tin tiêu cực. T.B., một anh chàng chưa từng qua đào tạo nghiệp vụ báo chí, kể với tôi: “Anh chưa từng viết tin, bài trên báo, nhưng em có tin là anh huýt sáo một cái thì cả giàn cảnh sát giao thông (CSGT) phải có mặt gọi anh là đại ca?”.
Tôi hỏi B.: “Anh bắt lỗi được cái sai của họ?”. B. vỗ đùi đánh đét, miệng cười ha hả, nói: “Chuẩn đấy. Mỗi chuyến đi từ Bắc vào Nam, tụi anh chia nhau mỗi thằng hàng trăm triệu đồng. Làm báo như em cả đời đói mốc mồm. Như anh chỉ cần có xế sang, đổ đầy xăng, rủ mấy anh em phóng viên trẻ, trang bị các phương tiện kỹ thuật đầy đủ rồi lên đường đi thu thập “tài liệu”.
Qua trạm CSGT nào, bọn anh cũng cố tình phạm lỗi. Bị phạt thì ít, bị vòi tiền thì nhiều. Bọn anh lấy chứng cứ vòi tiền lại và đi tiếp. Trước khi đi, người của bọn anh không quên để lại một chiếc USB chứa “tài liệu tiêu cực” kèm số điện thoại...”.
Có một thực tế rằng hơn 10 năm làm báo, chưa bao giờ tôi “đủ ăn” nhờ tiền lương và nhuận bút. Những đề tài điều tra thường lấy của tôi rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Tôi bán rau sạch, bán hoa tươi, bán nông sản sạch của người vùng cao lấy lãi nuôi con và... nuôi đam mê nghề báo. Có thể khó tin, tôi yêu nghề báo, làm việc chật vật và luôn phải gắng hết sức để đứng vững trước cám dỗ. Tôi không muốn tình yêu này của tôi bị hoen ố vì những đồng tiền bạc bẽo.
Khi loạt bài Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết, ăn cắp hàng vi phạm ở Hải Phòng được đăng tải, tôi đã bị những đồng nghiệp kiểu T.B. bủa vây.
Có người muốn xin tôi tư liệu, rồi không ngần ngại đứng ra làm cầu nối giữa tôi và người vi phạm để ăn tiền. Họ xúi giục tôi đồng ý nhận tiền theo cách mà họ bày ra, tuyệt đối an toàn. Họ vận động nhân vật của tôi nhận tiền dàn xếp, điều kiện là ký vào biên bản chấp nhận những tố cáo trước đó là sai sự thật. Hàng trong container rất đầy đủ, không thiếu một lai nào, không ai tổ chức trộm hàng và đương nhiên là ngành hải quan không có những “con sâu”.
Khi tôi không đồng ý, đồng nghĩa với việc tôi phải chiến đấu một mình. Nộp bài xong, tôi khóc một trận tức tưởi giữa một khu cảng lộng gió, giữa hàng ngàn container lạnh lẽo. Khi ấy tôi khóc vì sốc, vì tiếc khi những đồng nghiệp luôn kề vai sát cánh với tôi sắp “lạc” nhau trên đường đời.
Càng ngày, trạng thái “sốc” càng phải mất dần đi. Tôi thấy trạng thái cô độc của mình là điều bình thường. Và tôi nhìn những đồng nghiệp luôn sẵn sàng “ngậm miệng ăn tiền” ngày một đông hơn. Tôi phải hòa vào dòng người ấy để đi, để sống.
Rồi tôi thấy rõ mối nguy hiểm có màu sắc, mùi vị đầy cám dỗ của đồng tiền đang rình rập mình trên một khúc quanh nào đó của con đường làm nghề. Biết đâu có một phút yếu lòng nào đó, tôi trở thành một người đồng lõa với họ để không còn lạc lõng nữa thì sao? Nếu như vậy thì thật là nguy hiểm.
Các giải báo chí tiêu biểu của Thu Trang * Giải nhất năm 2011 với loạt bài Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian. * Giải nhì báo chí điều tra 2013 với loạt bài Thâm nhập đường dây làm giả bệnh án tâm thần ở Hải Dương. * Giải nhì báo chí điều tra năm 2014 loạt bài Thâm nhập băng nhóm giang hồ phía tây Hà Nội. * Giải nhất Hội Nhà báo VN với loạt bài Đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. * Giải nhì năm 2016 Hội Nhà báo TP.HCM với loạt bài Cò công chức lộng hành thủ đô. |
______________
Kỳ tới: Khoảnh khắc sinh tử của nhà báo Bạch Hoàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận