17/07/2012 09:30 GMT+7

Tiến tới "tôi chịu trách nhiệm"

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Cụm từ “trách nhiệm người đứng đầu” gần đây được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn cũng như trong quy định liên quan đến hoạt động của cơ quan nhà nước. Thực tế ra sao? Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác cán bộ nói rằng: “Ở ta có bệnh là khi nói thì hăng hái lắm, nhưng làm chẳng được bao nhiêu”.

Thử nhìn vào một trong những lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay là phòng chống tham nhũng thì thấy khi xảy ra vụ việc, vụ án tham nhũng nào đó thì trách nhiệm người đứng đầu thường cứ “mờ mờ ảo ảo”. Trong năm năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử 1.455 vụ án tham nhũng, tuy nhiên cả nước chỉ có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Như vậy nếu tính bình quân, hơn một nửa số vụ án tham nhũng đã được xét xử không đụng chạm gì đến trách nhiệm người đứng đầu.

Trong khi đó từ năm 2006, Chính phủ ban hành nghị định về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Có lẽ ai đó đã đúng khi ví von rằng: “Trong nhiều vụ việc, trách nhiệm của người đứng đầu to như con voi ngồi trong phòng, nhưng mọi người thường không nhìn thấy con voi”.

Dường như những quy định đã có là chưa đủ, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây bổ sung quy định: “Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán, điều tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng”. Việc nêu rõ trách nhiệm được chia làm ba mức độ: yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che cho người có hành vi tham nhũng.

Thêm một quy định mới, thêm hi vọng nhưng cũng thêm băn khoăn. Hi vọng khi Quốc hội thông qua quy định này, với bất cứ vụ việc, vụ án tham nhũng nào, trách nhiệm người đứng đầu sẽ phải “hiện nguyên hình”. Băn khoăn là trách nhiệm người đứng đầu đâu chỉ trong việc “để xảy ra hành vi tham nhũng”.

Nói như ông Trần Đình Huỳnh (nguyên viện trưởng Viện Xây dựng Đảng) là hiện nay có biết bao việc khiến người dân bức xúc như: để người nước ngoài vào trồng rừng ở khu vực biên giới, nuôi cá bè ở vịnh Cam Ranh, phát triển sân golf tràn lan, rồi các công trình dang dở gây lãng phí lớn... nhưng không thấy cấp nào, đặc biệt là cá nhân nào tự phê bình, dám nhận trách nhiệm, mà nếu có thì cũng chỉ là “trách nhiệm tập thể”, là “chúng tôi” hay “chúng ta” chứ không mấy khi hé lộ ra trách nhiệm cá nhân và xuất hiện chữ “tôi”.

Để bịt những “lỗ hổng” trong cơ chế trách nhiệm hiện nay, cần khẩn trương xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách để xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị như nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra. Thực tiễn đang đòi hỏi việc quy định cơ quan chức năng phải “nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu” không chỉ áp dụng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, mà bất cứ lĩnh vực nào khi xảy ra bê bối, tiêu cực.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp