Vay để “chơi nổi”?
Chắc hẳn không chỉ người Đà Nẵng sốc và xót khi biết dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Thế giới đã đầu tư... không đúng địa chỉ và lãng phí!
Có địa chỉ hẳn hoi là 56 phường xã, mỗi nơi một máy tra cứu thông tin; hệ thống điện thoại có màn hình được trang bị cho chủ tịch UBND các xã/phường, quận/huyện nhưng rất tiếc số máy móc, thiết bị hiện đại trên đã không phát huy được công năng bởi người sử dụng không muốn dùng - như lời ông Phạm Kim Sơn, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng - là những người này không có tinh thần trách nhiệm hoặc không thích sự thay đổi công nghệ.
Vay tiền trang bị thiết bị để rồi thiết bị đắt tiền bị phủ bụi quanh năm, “chơi nổi” như thế trong giai đoạn hiện nay có nên chăng?
Địa phương chưa chắc đã có nhu cầu trang bị phương tiện tra cứu thông tin thì hà cớ gì áp đặt?
Trách nhiệm ở đây không chỉ của người được thụ hưởng mà còn cả của cơ quan đầu tư, cung cấp.
Chưa hết, để vận hành được các thiết bị đầu, cuối (gồm khoảng 400 điện thoại được trang bị cho chủ tịch các xã, phường, quận, huyện... nhưng có người chưa thực hiện cuộc gọi nào), ban quản lý dự án đã tổ chức đào tạo cho hơn 4.000 cán bộ chuyên viên và sẽ tiếp tục đào tạo thêm 2.000 người nữa. Vậy là còn cần phải tốn thêm bao nhiêu tiền nữa?
Ném tiền qua cửa sổ
Chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện quá nhiều dự án, mua sắm gây lãng phí tiền bạc. Từ chuyện “Tiền tỉ đắp chiếu” khi tỉnh Gia Lai mua trang thiết bị dạy và học, đến việc “Mua xe hơi khủng để trùm mền” ở tỉnh Hà Tĩnh, nay lại thêm vụ “Trên sắm đồ xịn, dưới chẳng ai dùng” tại Đà Nẵng.
Điểm chung của những ý tưởng “siêu tốn kém” này là “ném tiền qua cửa sổ” khiến dư luận bức xúc. Không hiểu trước khi thực hiện dự án này, chính quyền TP Đà Nẵng đã khảo sát nhu cầu sử dụng của người dân và cấp cơ sở chưa, có tham khảo ý kiến của các bộ, ngành không, hay cứ việc ấn xuống “ép” cấp dưới phải nhận?
Ở chiều ngược lại, cán bộ địa phương đều thấy thiết bị này không phát huy được tác dụng, vậy đã có kiến nghị, phản hồi chưa?
Ở dự án tại Đà Nẵng, dư luận còn bức xúc hơn vì kiểu đùn đẩy trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Cán bộ cấp phường kêu rằng “máy tra cứu thông tin... không có CPU”, còn lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng khẳng định đã trang bị đầy đủ (?).
Chi tiêu bằng tiền ngân sách từ 200.000 đồng trở lên đều phải có hóa đơn “đỏ” (giá trị gia tăng), huống hồ đây là dự án gần 600 tỉ đồng. Nếu được cấp đương nhiên sẽ có biên bản giao nhận và các chứng từ liên quan. Một thiết bị to như CPU chứ nào phải que diêm mà không kiểm chứng được!
Cứ vay đi, con cháu trả, lo gì!
“Chuyện hài hước, nếu máy đó rất cần thiết thì sao họ không muốn xài? Phải chăng lại là chuyện đầu tư cho oai, theo phong trào?” - bạn đọc Vinh Phạm đặt câu hỏi. Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hạnh cho rằng: “Có một sự thật là khi ở trên rót tiền và mua đồ nhưng không bao giờ hỏi cấp dưới cần gì, những vật dụng đó sử dụng như thế nào. Trên không hỏi dưới nhu cầu cần gì, dưới không dám hỏi trên vật đó xài như thế nào. Vậy nên mới lãng phí!”. Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi liệu ở việc đầu tư này có lợi ích riêng không? Bạn đọc Tường Vinh viết: “Thật ra họ không thích thì không xài - trả lời như vậy thì tiền thuế của dân để mua những trang bị cao cấp đó để làm gì?”. Bạn đọc cuongvuonthinhc@... chua chát: “Cứ vay đi rồi con cháu trả thôi, lo gì!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận