Làm sao xác định cho mình một thái độ đúng đắn về tiền mã hóa để khỏi bị chê là lạc hậu, bảo thủ nhưng cũng không để bị cuốn vào cơn lốc làm giàu nhanh chóng?

Đọc tin tức về các loại tiền mã hóa cứ nghĩ nó là chuyện đâu đâu, dân mình không khờ khạo đến nỗi bị cuốn vào cơn lốc này. Không dè báo đưa tin: Một lớp phó học tập ở Sơn La được giao thu hơn 300 triệu đồng tiền học phí của bạn trong lớp nhưng không nộp cho trường mà lại dùng nó đầu tư vào tiền ảo. Không rõ cô này chơi loại tiền gì trên sàn Binance, chỉ biết thua lỗ hết tiền, giờ đối diện với án tù vì tội chiếm đoạt tài sản.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 1.

Đầu tiên là không thiếu người có thẩm quyền, có uy tín khẳng định tiền mã hóa không có giá trị. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, mới trả lời phỏng vấn: "Tôi từng nói nhiều lần các loại tiền mã hóa là cực kỳ mang tính đầu cơ, là tài sản rất rủi ro. Đánh giá khiêm tốn của tôi là nó không có giá trị gì hết. Nó không dựa trên bất kỳ cái gì, không hề có tài sản làm nền để đóng vai trò neo giữ an toàn".

Tiền có ba chức năng: phương tiện trao đổi, đơn vị kế toán, lưu giữ giá trị. Tiền mã hóa hầu như không thể dùng làm phương tiện trao đổi, các câu chuyện dùng Bitcoin để uống cà phê chỉ là biểu diễn mà thôi vì mỗi giao dịch vừa tốn thời gian, tốn tiền điện và tốn phí khá nhiều.

Nó ắt hẳn không thể là đơn vị kế toán vì giá cả lên xuống bất thường, chỉ còn lại chức năng lưu giữ giá trị nên giờ đây hầu như mọi người, kể cả phe ủng hộ, đều xem tiền mã hóa là một loại tài sản chứ không phải tiền đúng nghĩa nữa.

Bất kỳ tài sản nào cũng phải có một giá trị nội tại nào đó, tờ khăn giấy còn được dùng để lau miệng hay cái lông ngỗng còn được dùng làm đạo cụ trong phim Forrest Gump, nhưng tiền mã hóa không hề mang một giá trị nội tại nào, nó chỉ có giá đó là do thiên hạ nói vậy, bỏ cái niềm tin này đi thì nó là đồ bỏ đi - đó là ý của bà Largarde và nhiều người khác.

Ngược lại, những người chủ xướng cho tiền mã hóa chỉ biết chê bai bất kỳ ai nghi ngờ chứ không đưa ra lý lẽ thuyết phục nào cả. Anh chàng Do Kwon, người sáng lập đồng TerraUSD và Luna mới bị thổi bay hết 99% giá trị (xem Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 19-2022), từng chế giễu một nhà kinh tế khi bà nêu những lý lẽ cho rằng đồng tiền neo giá của Kwon là vô giá trị bằng một câu: "Tôi không bàn cãi với kẻ nghèo".

Một người khác, từng sáng lập một công ty blockchain tên là Paxos, cho rằng cơ chế giá của Kwon đưa ra là phi lý; Kwon đáp trả: "Paxos là cái quái gì". Tay này thường quảng bá cho đồng tiền của mình bằng các chiêu trò PR như đặt tên cho con gái mới sinh là Luna: "Sáng tạo yêu dấu nhất của tôi được đặt tên theo phát minh vĩ đại nhất của tôi". Chỉ toàn những lời đao to búa lớn, sáo rỗng như thế mà vẫn lôi kéo được nhiều người mà biết đâu trong đó có cả cô lớp phó ở Sơn La!

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 2.

Thôi cứ cho đó là tranh luận giữa hai bên, làm sao biết ai đúng ai sai. Cứ nghĩ như thế này, mục đích của nhiều người khi chơi tiền ảo là để chờ nó lên giá, bán ra, hưởng lãi. Thế không lẽ nó cứ tăng giá mãi, dựa vào đâu để giá trị nó tăng lên?

Nói cho cùng, mâu thuẫn lớn nhất nằm ở bên trong các đồng tiền mã hóa: giá trị của nó nằm ở niềm tin của cộng đồng, mất niềm tin thì đồng tiền sẽ sụp đổ. Cái này chẳng khác gì một lý thuyết hậu hiện đại: không có giá trị thật, chỉ có tự sự về giá trị do con người dựng lên và cùng nhau tin hay không tin - bởi bản chất một đồng tiền mã hóa là các dòng mã code trên máy tính.

Thế nhưng công nghệ nền vận hành các đồng tiền mã hóa là blockchain lại loại bỏ niềm tin, chỉ dựa vào công nghệ phân tán sổ cái cho số đông để ghi nhận giao dịch. Hai giá trị đối chọi nhau này trước sau gì cũng dẫn đến thảm họa như cú sụp giá của cặp đồng tiền TerraUSD và Luna vừa qua.



Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 3.
Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 4.

Dù là người trong ngành nhưng kỹ sư phần mềm Molly White trước đây vẫn khá thờ ơ với blockchain và tiền mã hóa (crypto). Cô cho rằng đây vẫn là công nghệ ngách và có lẽ đa số những người hào hứng tham gia đầu tư đều nhận thức rõ các nguy cơ của nó, nhất là tính bất định và giá trị biến thiên khôn lường, số còn lại nếu không liên quan gì đến tiền mã hóa chỉ việc không ném tiền vào là xong.

Cho đến cuối năm 2021, White nhận thấy một thay đổi lớn trong cách người ta nói về tiền mã hóa. "Từ chỗ chủ yếu được sử dụng như một loại hình đầu cơ bởi những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy lợi nhuận..., tất cả mọi người đều muốn có ví tiền mã hóa và tất cả đều muốn tham gia các dự án dựa trên nền blockchain" - White nói với tờ Harvard Business Review (HBR).

Chuyên gia phần mềm này chính thức không thể ngồi yên khi "tiền mã hóa bắt đầu được quảng bá như thứ mà ai cũng phải dự phần, và khi các dự án bắt đầu cố gắng thu hút nhóm đối tượng rộng hơn mà thường là những người không có vẻ gì là hiểu về công nghệ và các rủi ro tài chính".

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 5.

White được xem là một người hoài nghi về công nghệ crypto. Ngoài trang cá nhân mollywhite.net, cô còn lập thêm trang "Web3 is Going Just Great" và ghi chép theo trình tự thời gian các sự cố, vấn đề liên quan đến công nghệ Web3, blockchain và tiền mã hóa như lừa đảo, sự cố kỹ thuật, sập sàn, các thương vụ "có mùi".

"Tôi đã chứng kiến một số lượng khổng lồ các dự án Web3 và crypto tiến triển tệ hại: người ta nảy ra các ý tưởng tồi tệ và các cá nhân lẫn doanh nghiệp mất cả đống tiền vì lừa đảo, tấn công mạng và lỗi người dùng" - White giải thích lý do lập trang web kiểu "chuyện cảnh giác" cho những người khó cưỡng lại những lời quảng bá hào nhoáng về thế giới crypto.

Cũng trong bài phỏng vấn, mà HBR cho đăng với tựa "Những bài học cảnh giác từ vùng đất crypto", White lý giải vì sao cô hoài nghi trước những lời tô vẽ quen thuộc rằng blockchain sẽ phi tập trung hóa thế giới web và cung cấp các nguồn của cải và cơ hội mới kể cả cho người "unbank" (chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng). "Thật khó để tôi thấy tương lai mà một công nghệ không được quản lý tốt và đưa ra những động lực tài chính sai lầm lại có thể dẫn đến một hệ thống công bằng và dễ tiếp cận hơn" - cô nói.

Về việc blockchain và crypto sẽ giúp những người "unbank" tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, White cho rằng mọi người đang sa vào cái bẫy quen thuộc của giới công nghệ: cố gắng giải quyết vấn đề xã hội bằng công nghệ.

"Người ta vốn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng không phải vì các yếu tố liên quan kỹ thuật mà vì hàng loạt các nguyên do: không có tiền để mở tài khoản, không có giấy tờ, không thể di chuyển đến ngân hàng hay truy cập trực tuyến vì không có mạng, hoặc cũng có thể họ không tin tưởng ngân hàng vì hệ thống tài chính và tư pháp nơi họ sống có tỉ lệ tham nhũng cao. Đây là những vấn đề không thể đơn phương giải quyết bằng cách mang mọi thứ lên blockchain".

Ngược lại, các giải pháp crypto sẽ tạo ra thêm nhiều rào cản tài chính thay vì phá bỏ chúng. Cụ thể, người dùng phải có trình độ bảo mật nhất định để bảo vệ ví tiền mã hóa; phải có kiến thức và thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các dự án để biết phân biệt đâu là dự án hợp lệ, đâu là lừa đảo.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 6.

Ngoài ra, khi có vấn đề xảy ra với các sàn giao dịch crypto, khung pháp lý hiện hành chưa có quy định nào để bảo vệ người dùng cũng như giúp họ khắc phục sự cố nếu bị lừa đảo.

Tóm lại, White không tin rằng các công nghệ dựa trên tiền điện tử và blockchain là giải pháp cho những vấn đề như tạo ra hệ thống tài chính công bằng và dễ tiếp cận, phân bổ tài sản công bằng hơn trong xã hội, đảm bảo quyền riêng tư và quyền kiểm soát đối với dữ liệu cá nhân...

"Đây là những vấn đề xã hội, không phải vấn đề công nghệ, và các giải pháp sẽ có được từ thay đổi xã hội và chính trị" - cô kết luận.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 7.



Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 8.

Khi trẻ em hầu như không thấy tiền trong giao dịch mua bán hằng ngày mà chỉ thấy hàng hóa về đầy nhà sau khi quẹt thẻ, ấn nút trên điện thoại và máy tính, việc dạy trẻ về tiền trong giao dịch không tiền mặt đang làm khó cha mẹ.

Thế hệ trước có lẽ ai cũng từng có thời đếm từng tờ bạc lẻ, vuốt phẳng phiu cho vào heo đất hay mua quà bánh ở căngtin trường tiểu học. Đó cũng là cách trẻ con ngày xưa học cách nhớ mệnh giá, đếm tiền, mua hàng, nhận tiền thừa, thậm chí là tiết kiệm.

Với trẻ em thuộc thế hệ sinh ra đã có công nghệ bao quanh, sóng Internet khắp nơi thì lại khác. Mọi thứ được mua bán và giao nhận hoàn toàn trực tuyến chỉ sau vài cú chạm trên smartphone, cần gì thiếu gì thì cũng tìm đến smartphone, khiến trẻ vô tình không biết được vai trò của tiền trong các giao dịch ấy cũng như tiền là do cha mẹ kiếm được (chứ không phải đơn vị ảo trong game) hay thế nào là chi tiêu.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 9.

Lyn McGrath, quản lý bộ phận bán lẻ của CBA, cho rằng những tiến bộ trong công nghệ và sự phổ biến của giao dịch điện tử hiện nay đồng nghĩa với việc chúng ta cần cho trẻ em thực hành nhiều hơn trong quản lý tiền khi không nhìn thấy tờ tiền. "Nhiều trẻ đã quen với việc thấy cha mẹ trả tiền cho mọi thứ bằng một tấm thẻ hoặc một cú nhấp chuột. Điều này có thể khiến các em nghĩ rằng tiền là một nguồn tài nguyên vô hạn luôn có sẵn" - bà McGrath nói.

Nếu trẻ có ấn tượng này, hãy giúp trẻ hiểu rằng tiền trong thẻ hay trên ứng dụng từ điện thoại là lấy từ tài khoản ngân hàng của bố mẹ, do bố mẹ làm việc mà có và nó không phải là vô hạn. Các giao dịch không tiền mặt thật ra có giá trị vì với mỗi giao dịch được thực hiện, có một số tiền nhất định đã chuyển từ tài khoản của người này sang tài khoản của người khác giống như lấy tiền trong ví trả ở cửa hàng.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 10.

Người lớn cũng vậy - nhiều nghiên cứu đã phát hiện người mua đã chi tiêu nhiều hơn khi quẹt thẻ so với khi mua bằng tiền mặt, vì thế mà bố mẹ nên tự làm gương cho trẻ. Các chuyên gia khuyên phụ huynh cần giải thích cho con rằng tiền trong tài khoản cũng "thật" như tiền mặt trong tay, và do đó, nếu mua ngoài khả năng chi trả thì hậu quả sẽ rất đau đớn. Bố mẹ có thể để con cộng các khoản tiền vào ra trong thẻ ngân hàng của mình. Khi mua hàng online, để con ấn nút thanh toán và chỉ cho con thấy tiền đã rời khỏi tài khoản của bạn ở ngân hàng như thế nào.

Theo trang moneysmart.gov.au của Chính phủ Úc, bố mẹ nên bắt đầu giáo dục trẻ sớm về nguồn gốc của tiền, làm sao để tiết kiệm và chi tiêu thông minh, tài khoản trong ngân hàng… Chúng ta không cần phải là chuyên gia về tài chính để nói với con về tiền bạc. Từng bước một, hãy cho con biết về các tờ tiền và giá trị của chúng.

Mark Brennan, quyền giám đốc Ngân hàng Unity của Úc, cho biết vợ chồng anh khuyến khích con tự kiếm tiền bằng cách làm việc nhà chăm chỉ để có các khoản tiền công, tiền thưởng; tập cho con biết lên kế hoạch mua sắm một món đồ cụ thể và dựa vào đó để đặt mục tiêu kiếm tiền và tiết kiệm tiền.

Một quy tắc mà vợ chồng Brennan cho là rất quan trọng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay là yêu cầu con xin phép trước khi mua bất cứ thứ gì trên các kho ứng dụng hoặc cửa hàng trực tuyến. Đây là sự thận trọng cần thiết vì nhiều bố mẹ đã ngã ngửa khi con cái mượn điện thoại chơi game rồi tài khoản của họ bị trừ tiền.

Theo Channel News Asia, một ông bố ở Singapore đã bị trừ đến gần 15.000 USD trong tài khoản từ thẻ tín dụng vì con gái đã phóng tay mua rất nhiều đồ trong game.

Tiền thì ảo, lừa đảo là thật - Ảnh 11.

Báo Financial Times nhấn mạnh trẻ em cần một không gian an toàn để rèn luyện, tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số từ sớm trước khi thực sự phải chịu trách nhiệm về tiền bạc trong tương lai. Trẻ cần biết về những cạm bẫy trong giao dịch không tiền mặt khi trên mạng xã hội đầy rẫy những lời mời gọi đường mật như "mua trước, trả sau" có nguy cơ để lại những hậu quả khôn lường.

Tất cả chúng ta đều muốn những gì tốt nhất cho con mình, vì vậy nói chuyện về giao dịch không tiền mặt từ khi con còn nhỏ là cách đảm bảo chúng được chuẩn bị trước khi va chạm trong thế giới thật khi được tiếp cận với tín dụng và tiền vay.


NGUYỄN VŨ - XUÂN MINH
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp