Phóng to |
Năm 2003, tôi trở lại thăm Đại học Kỹ thuật Dresden. Đây là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Đức, nơi tiếp nhận nhiều lưu học sinh Việt Nam. Trên những bức tường của hành lang giảng đường treo các poster của các luận án, công trình nghiên cứu khoa học. Tôi bắt gặp ở vị trí người hướng dẫn luận văn một cái tên Việt Nam: Hưng Trần.
Tôi tìm đến phòng thí nghiệm gặp Hưng Trần. Em là Trần Hoàng Hưng, giảng viên bộ môn Vi điện tử, 26 tuổi. Tôi rất vui và hỏi: “Cháu sang đây học từ năm nào?”. “Năm 2000, không được đi học đâu, cháu phải làm trợ giảng, hướng dẫn luận văn cho sinh viên, làm các dự án phát triển mà trường ký với các tập đoàn công nghiệp”.
“Cháu vào làm việc ở đây theo hình thức nào?”. “Chính phủ bang Sachsen tuyển dụng cháu”. Tôi xem hợp đồng tuyển dụng, một hợp đồng dài hạn 5 năm bắt đầu với bậc lương viên chức BAT IIa.
Ngay đối với các kỹ sư Đức trẻ tuổi cũng khó có vị trí như vậy, huống chi là người nước ngoài, nhất là lúc tỷ lệ thất nghiệp của người Đức ở đây cao hơn 15%.
Điều đáng chú ý nhất là luật cư trú đối với người nước ngoài ở Đức rất khắt khe, làm sao mà một người Việt không sinh ra và không học tập ở Đức, cũng chưa nói tiếng Đức lại có được vị trí công việc tốt như vậy.
“Cháu nghĩ người Đức rất thực tế, họ cần cháu làm việc và thấy cháu làm được việc thì họ cấp thẻ cư trú và thẻ lao động cho cháu”.
Năm 2006 gặp lại ở Dresden, Hưng bây giờ đã là tiến sĩ, tiếng Đức thành thạo, làm việc cả bằng tiếng Anh và Đức. Hưng vừa làm vừa tự học. Hưng cho biết: “Cháu vẫn đang dạy học ở đây. Trường yêu cầu cháu làm việc lâu dài vì cháu vẫn đang phụ trách một số dự án với các tập đoàn công nghiệp, chưa có người thay, nhưng để từ từ xem sao đã, cháu cũng đang cân nhắc các lời mời khác ở Đức, Mỹ và Anh. Cũng nên thử sức ở môi trường mới để học thêm kinh nghiệm”.
“Thế cháu không có ý định thử sức ở Việt Nam?”. “Cháu là nhà chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ cao nên cháu biết rõ, có rất nhiều việc của ta chỉ có thể thực hiện được khi có một cầu nối trực tiếp với cộng đồng công nghệ cao trên thế giới”.
Quả là trường hợp hiếm hoi trong số hàng chục ngàn người Việt Nam ở các trường đại học ở Đức. Một sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, được trọng dụng ở nước Đức hoàn toàn bằng khả năng tự lực của bản thân. Đây là, một nhà khoa học trẻ có ý chí lặng lẽ lao động và sáng tạo.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận