Nhưng không hẳn thế, anh cho biết từng có giai đoạn rơi vào khủng hoảng, không ngừng tự hỏi: Mình là ai? Mình nên làm gì lúc này? Mình có đang đi đúng đường không?
"COVID-19 ập đến, cuộc sống chúng ta hầu như ai cũng "tơi tả". Không phải nguyên nhân chính nhưng là chất xúc tác đẩy vấn đề của tôi lên cao trào và tôi cảm nhận rõ hơn điều bản thân đang mắc kẹt" - gương mặt trẻ có đến 5 triệu kết quả tìm kiếm trên Google mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ.
Đọc sách không để lấy kiến thức
* Có gì đó khá bất ngờ bởi nhiều người hầu như chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng chứ khó nghĩ rằng còn có một Ngô Di Lân từng rất khủng hoảng!
- Tôi từng rất hào hứng khi được nhận học bổng vào chương trình tiến sĩ năm 21 tuổi. Nhưng sau này, tôi vẫn thường nói với nhiều người rằng khi nhìn lại tôi thấy đây là một quyết định còn thiếu chín chắn.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình thích tìm hiểu lĩnh vực ngoại giao, lại có người trả tiền cho mình làm điều đó nên cứ thế xách vali qua Mỹ học thôi.
Tôi đã không dành thời gian đánh giá xem mình đã chuẩn bị đủ để dấn thân vào con đường nghiên cứu chưa. Đến khi bế tắc nối tiếp bế tắc trong quá trình nghiên cứu, tôi bắt đầu lung lay, không ngừng đấu tranh tư tưởng và khá mệt mỏi trước khi may mắn "về đích".
* Bạn giải bài toán ấy thời điểm đó thế nào?
- Tôi đọc sách và dành thời gian cho những sở thích của bản thân như nấu ăn, chơi thể thao. Tôi đam mê đọc sách và cũng thích viết sách. Thật lòng mà nói tôi viết quyển 1% mỗi ngày xuất bản năm 2022 trước tiên dành cho chính mình, để trò chuyện và lắng nghe chính mình.
Đọc sách để lấy kiến thức với tôi chỉ là yếu tố phụ. Nếu để lấy kiến thức, tôi nghĩ chỉ đọc vài trang, vài phần ở mỗi quyển sách. Việc đọc với tôi như một sự giải thoát, một nơi để mình tìm đến và trú ẩn. Đôi khi tôi xem việc đọc như cơ hội lắng nghe, đối thoại với những con người hay ho.
Có lẽ vì cách đắm chìm vào sách của tôi như vậy nên ngay cả bố mẹ, người yêu đều nghĩ tôi có phần khác người. (cười)
Việc bếp núc cần tư duy liên tục
* Nghe là bạn thích vào nếp mà văn hóa Á Đông nói chung, hình ảnh nam giới ít gắn liền với bếp núc. Bạn học điều gì từ sở thích này?
- Tôi cảm nhận mình thích nấu ăn từ lớp 4 khi lần đầu tiên cầm miếng thăn lợn tự thái rồi chế biến. Khi đi du học tôi vẫn thường phải tự nấu ăn mỗi ngày. Để đa dạng món ăn, tôi mua sách đọc, mua gia vị các loại để tìm hiểu và nhận ra việc bếp núc thực chất cũng buộc chúng ta phải tư duy liên tục.
Chẳng hạn nếu thay đổi bước ba qua bước bốn, công thức nấu ăn có hợp lý hơn không? Hay thay thịt gà bằng thịt bò, vị món ăn cuối cùng có ổn không? Nếu quỹ thời gian eo hẹp thì nên nấu như thế nào? Tôi tin nếu quan sát kỹ với bất kỳ công việc hay ngành nghề nào cũng sẽ giúp chúng ta học được rất nhiều điều quan trọng, ứng dụng được cho công việc chính và cuộc sống của mình.
* Thế giới lý tưởng của bạn sẽ có nhiều nam giới tham gia chuyện bếp núc hơn à?
- Nói một cách khái quát, tôi luôn muốn thúc đẩy một thế giới bình đẳng hơn. Chẳng hạn nam giới nên chia sẻ nhiều hơn những gánh nặng thường nhật trong gia đình. Xã hội nên có nhận thức chung rằng không phải cứ đi làm kiếm tiền đem về mới là cao quý nhất. Mọi nỗ lực tạo ra giá trị cho những người xung quanh đều cao quý, đáng được trân trọng.
Thêm nữa, tất cả mọi người ở mọi giới nên hiểu và cảm thông với nhau. Khi mỗi người bớt phán xét, hành xử điềm tĩnh hơn một chút, cố gắng lý trí hơn một chút, tôi tin là lúc chúng ta đang càng tiến gần đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi cần mở lòng nhiều hơn
* Việc được nhiều người biết đến từ sớm có tạo thêm áp lực, thử thách cho các quyết định của bạn?
- Tôi ít quan tâm đến suy nghĩ, phán xét của đám đông, người xa lạ nên có lẽ vì thế bản thân tương đối ổn những năm qua. Không phải tôi sống bất cần hay chà đạp lên dư luận vì tôi biết rõ bản thân luôn muốn hướng về cái tốt, cái đúng nên cứ thế mà làm nếu không sẽ rơi vào trạng thái "đẽo cày giữa đường" khi luôn phải chiều lòng số đông.
Tôi xuất hiện trên các báo và đâu đó cũng có những quan điểm phê phán góc nhìn của tôi. Nhưng họ sẽ không thể chỉ trích tôi mãi vì cuộc sống của ai cũng có nhiều mối bận tâm. Còn người bị ảnh hưởng quyền lợi vì quan điểm của tôi thì tỉ lệ cực kỳ nhỏ. Tôi cũng không chịu áp lực từ gia đình vì bố mẹ tin tưởng tôi đều suy tính kỹ trước mỗi lựa chọn.
Dẫu vậy tôi nghĩ bản thân cần cải thiện chính là đôi khi cần mở lòng chia sẻ nhiều hơn. Tôi từng nghĩ mình mạnh mẽ, có chia sẻ với người thân nhiều lúc cũng chẳng giải quyết được gì nên cứ thế âm thầm tìm đường vượt qua. Càng trưởng thành tôi càng nhận ra điều đó là sai.
9X thụ hưởng năm nền giáo dục
Ngô Di Lân lấy bằng tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Hoa Kỳ), trở về nước và hiện đang công tác ở Học viện Ngoại giao. Trước đó, anh vào Đại học College Maastricht (Hà Lan) với học bổng toàn phần, rồi từng có cơ hội học tập và sinh sống tại Anh, Thụy Điển.
Trong công việc, anh hiện tập trung nghiên cứu các chủ đề về xung đột vũ trang, chính sách ngoại giao nước lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạch định chính sách an ninh quốc gia... Anh Ngô Di Lân cũng là sáng lập viên chuyên trang nghiên cứu ngoại giao Scholicymaker.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận