Báo cáo của Uỷ ban Tài chính - ngân sách Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020), trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 16-10 cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016 - 2018 ước đạt gần 55% kế hoạch 5 năm (6.864 ngàn tỉ đồng).
Phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt (thu từ doanh nghiệp nhà nước năm 2017 chỉ đạt gần 89%, năm 2018 đạt 97% dự toán).
Chi ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt gần 55% kế hoạch 5 năm (8.025 ngàn tỉ đồng); tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỉ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.
Điều chỉnh tăng lương thiếu lộ trình cụ thể
"Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ", chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ. "Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm".
Đánh giá về những chuyển biến tích cực trong sử dụng ngân sách, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhấn mạnh việc đã giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Cụ thể, năm 2019, tỉ trọng chi thường xuyên là 63,8% (thấp hơn năm 2018: 64,1%), tỉ trọng chi đầu tư phát triển là 26,3%, cao hơn năm 2018 (26,2%), bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội.
"Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ, nhiệm vụ chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập chậm triển khai, làm tỉ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh", báo cáo nhận định.
Đối với vấn đề tăng lương, Uỷ ban Tài chính - ngân sách chỉ ra rằng việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm. Nhưng việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách nhà nước.
"Việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách nhà nước bền vững và chắc chắn", ông Nguyễn Đức Hải kiến nghị.
Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây chưa sát với yêu cầu thực tiễn.
Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải
Đấu giá đất để chống trục lợi
Đánh giá tổng thể việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính, thu - chi ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không nới trần nợ công (tối đa 65% GDP), không nới trần tổng vốn đầu tư công (2 triệu tỉ đồng).
Đối với các dự án mới đề xuất, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chi xem xét, bổ sung những dự án thực sự rất cấp bách.
"Gần đây Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận được nhiều đề xuất của các tỉnh gửi lên, chúng tôi phải trả lời là gửi đề xuất để Chính phủ trình lên. Đề nghị Chính phủ chú ý đến đề xuất của các vùng khó khăn, đặc biệt là các dự án kết nối để phát huy hiệu quả các công trình, dự án đã được đầu tư", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ năm 2019 đấu giá công khai các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đối với các dự án cần tiền giải phóng mặt bằng thì được phép ứng tiền ngân sách, sau đó đấu giá để hoàn lại cho nhà nước.
"Tôi cho rằng chỗ này đang thất thoát rất lớn, đại gia bất động sản giàu lên là ở chỗ này đây. Đề nghị đưa vào nghị quyết Quốc hội quy định nguyên tắc này", bà Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu bức xúc về một dự án giao thông có tác động lớn về kinh tế - xã hội khu vực biên giới nhưng đang phải giãn tiến độ vì thiếu vốn.
"Đường Trường Sơn Đông đi qua các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, đã được Chính phủ giao 13 năm nay, ngân sách quá dàn trải. Đường đi qua 7 tỉnh, tôi đến tỉnh nào thì bí thư, chủ tịch tỉnh đó cũng có ý kiến. Một dự án mà triển khai tới nhiệm kỳ thứ 3 vẫn chưa xong thì làm sao có hiệu quả được, hiện nay vẫn còn thiếu 2.400 tỉ đồng", ông Đỗ Bá Tỵ kể lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận