Kỳ vọng 2023 vốn ngân hàng sẽ chảy vào đúng chỗ - ẢNH: N.PHƯỢNG
Tiền vẫn được bơm ra, chảy vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong đó có chứng khoán, bất động sản.
Gần 12% là mức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại so với cuối năm ngoái, tương đương 1,2 triệu tỉ đồng mà các ngân hàng đã cho vay. Tổng dư nợ mà các ngân hàng cho vay nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, đã vượt 11 triệu tỉ đồng. Nhờ đó tăng trưởng GDP quý 3 và ba quý đầu năm đạt mức cao. Rõ ràng tiền vẫn đang lưu thông, vẫn chảy như huyết mạch của cơ thể.
Tuy nhiên năm 2023 dòng tiền cần phải được uốn nắn để đặt đúng chỗ, tiêu đúng chỗ. Câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp cho thấy một số doanh nghiệp có vấn đề, tình hình tài chính yếu kém, đã lợi dụng những kẽ hở của quy định pháp luật cũng như sự dễ dãi của tiền rẻ trong thời kỳ đại dịch để thao túng thị trường trái phiếu. Trong khi đó cơ quan quản lý đã để những đơn vị phát hành trái phiếu này "lọt lưới", gây "thoái trào" niềm tin của nhà đầu tư, người dân vào thị trường nói chung.
Những doanh nghiệp như vậy không còn cách nào khác ngoài việc phải chịu sự điều tiết của thị trường, lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản, giải thể. Đó là cái giá họ phải trả để thị trường trở nên lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho tiền được đặt đúng chỗ.
Gần đây có những ý kiến đề xuất các ngân hàng thương mại đứng ra mua lại trái phiếu doanh nghiệp để "giải cứu" thị trường này. Đó là một đề xuất rất không thích hợp nhìn từ góc độ tiêu tiền không hiệu quả và "xâm lấn" vào nguồn vốn mà lẽ ra các ngân hàng có thể dành cung ứng cho các lĩnh vực khác cấp thiết hơn như y tế, giáo dục, đào tạo nhân lực và công nghệ.
Tiền đặt đúng chỗ, trước hết, là tiền cho vay năm lĩnh vực ưu tiên trong đó có phát triển nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng tái cấp vốn, nới room tín dụng cho những ngân hàng nào cung cấp danh sách các doanh nghiệp cần vay vốn trong năm lĩnh vực ưu tiên. Thực tế cho thấy số tiền cho vay nông nghiệp, xuất khẩu... ngay cả khi đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp ngành nghề này vẫn thấp hơn nhiều so với cho vay bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản đến nay đã lên đến 2,4 triệu tỉ đồng - một con số khổng lồ.
Tiền chảy đúng chỗ đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa các bộ ngành dưới sự điều hành hợp lý, linh hoạt của Chính phủ. Giải ngân đầu tư công rất chậm và Kho bạc Nhà nước đang dư thừa 1 triệu tỉ đồng gửi ở hệ thống ngân hàng, vậy có nên tiếp tục duy trì cường độ phát hành trái phiếu chính phủ?
Đặt tiền đúng chỗ không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế cho năm sau mà cần bắt đầu ngay từ bây giờ bởi áp lực lạm phát, áp lực ổn định giá trị đồng tiền không những xuất phát từ bên ngoài, từ tác động của kinh tế thế giới, mà cả từ nội hàm nền kinh tế của chúng ta.
Nên tiếp tục giãn thuế
Thu ngân sách nhà nước mười tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất trong lịch sử: 1,219 triệu tỉ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ, dù gần đây tốc độ gia tăng thu ngân sách đã có dấu hiệu chậm lại.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp trở ngại trong sản xuất kinh doanh, nên chăng thực hiện ngay việc giãn thuế trong vòng sáu tháng cho tổ chức kinh tế và người dân, sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp đang gặp khó về thanh khoản, dòng tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận