Một trong những khó khăn lớn nhất đối với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại hội thảo về nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công ngày 22-9, ông Trần Quốc Phương cho biết cách đây 2 hôm, khi Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm tra thì vẫn có địa phương chưa giao hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, dù chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là hết năm.
Việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho từng dự án đã trao quyền chủ động cho các địa phương và các bộ ngành.
Nếu tháng 11 dự án mới khởi công thì chỉ có 2 tháng để giải ngân. Như vậy, tiền nằm chờ dự án đó từ đầu năm đến tháng 11. Tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm rất thấp và dồn lại vào 2 tháng cuối năm.
Theo ông Phương, giải ngân là bước cuối cùng của quá trình đầu tư. Để tiền ngân sách chi cho nhà thầu thì dự án phải đảm bảo đủ mọi điều kiện, như phải có khối lượng..., đặc biệt chủ đầu tư phải chuẩn bị đầy đủ các khâu cho dự án.
Nêu quy định về công tác triển khai dự án, ông Phương nhấn mạnh trải qua quy trình rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Bước đầu tiên là chủ trương đầu tư. Với một dự án thông thường, để ra chủ trương đầu tư phải mất 6 tháng đến 1 năm.
Sau chủ trương đầu tư, bước tiếp theo là phê duyệt dự án gồm quyết định đầu tư, đánh giá tác động môi trường… Nếu nhanh thì mất 6 tháng, còn lâu thì mất cả năm. Trong quá trình phê duyệt mà phát sinh vướng mắc sẽ kéo dài thêm thời gian.
Sau khi dự án có quyết định đầu tư, sẽ có một loạt việc phải làm gây tốn kém rất nhiều thời gian. Đó là thời gian giải phóng mặt bằng.
Thực tế bây giờ có cảnh tiền nằm chờ nhiều dự án đầu tư công. Tiền có rồi nhưng dự án thì chưa đủ thủ tục.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương
Tiếp đến là phê duyệt thiết kế xây dựng, ông Phương nói rõ hơn quyết định đầu tư đã có rồi nhưng để thiết kế, triển khai thi công được thì dự án phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng. Và bước này cũng "ngốn" vài tháng, như Bộ Kế hoạch và đầu tư có dự án nhóm B phải mất 6 tháng hoàn tất thủ tục này.
Sau khi tất cả các bước trên hoàn tất, dự án cần đấu thầu. Nếu không vướng mắc gì thì cũng phải mất 6 tháng mới chọn được nhà thầu. Khi thỏa thuận ký kết hợp đồng với nhà thầu mới thực hiện dự án và bắt đầu giải ngân.
"Đó là các bước triển khai để thực dự dự án đầu tư công. Thời gian để một dự án từ khi hình thành ý tưởng, thu xếp được vốn cho đến khi nhà thầu bắt tay vào thi công nếu nhanh đối với dự án nhóm C cũng mất cả năm.
Còn dự án nhóm B thì mất khoảng 2 năm, dự án nhóm A thì thời gian dài hơn. Với các bước như vậy, nếu chủ đầu tư không làm sớm thì rõ ràng giải ngân sẽ rất chậm" - ông Phương nói.
Vị thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng để giải ngân tốt, phải chuẩn bị các phần công việc từ rất sớm để dự án đầy đủ thủ tục.
Về tình trạng giải ngân chậm chạp ở hầu hết các dự án đầu tư công, ông Hoàng Phú Thọ, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4, cho biết qua kết quả kiểm toán, điểm nghẽn lớn nhất là việc lập quyết định chủ trương đầu tư còn hạn chế. Khi quyết định đầu tư, nhiều dự án chưa xác định được nguồn vốn.
Đặc biệt, năng lực của nhà thầu hạn chế. Nhiều trường hợp đấu thầu nhưng chủ đầu tư vẫn không lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt. Từ đó, tiến độ thi công dự án rất chậm dù nhà thầu đã nhận tiền ứng vốn từ chủ đầu tư rồi. Các nhà thầu này thường vin vào lý do chưa xong giải phóng mặt bằng.
Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm nay phải hoàn thành giải ngân hơn 630.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được 47%, khoảng 221.000 tỉ đồng.
Như vậy, 4 tháng cuối năm, số vốn giải ngân còn hơn 400.000 tỉ đồng. Đây là áp lực rất lớn cho các bộ ngành, địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận