Đó là đánh giá của ông Gilbert F. Houngbo - tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5.
Thu nhập người Việt vẫn tăng so với thế giới
Theo ông Gilbert F. Houngbo, sau 3 năm từ khi COVID-19 bùng phát, kế tiếp là lạm phát, xung đột và các cú sốc về nguồn cung lương thực, nhiên liệu, những cam kết về đổi mới, xây dựng thế giới tốt hơn chưa được thực hiện.
Trên toàn cầu, tiền lương thực tế đã giảm, tình trạng nghèo gia tăng, bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí nhiều công ty đã phải ngừng hoạt động, ông Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh.
Nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5, tổng giám đốc ILO hy vọng các chính sách của các nước phải lấy "con người làm trung tâm".
Theo đó, mọi người được phát triển cả về vật chất, tinh thần trong điều kiện tự do, bảo đảm an ninh kinh tế và cơ hội bình đẳng.
Để đạt được mục tiêu, ông Gilbert F. Houngbo cho rằng các quốc gia ngoài đạt tốc độ tăng trưởng nhất định hoặc các mục tiêu khác thì nên chú ý giải quyết nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Cách hiệu quả nhất là tạo việc làm chất lượng, bền vững để mọi người tự nuôi sống bản thân, gia đình, bên cạnh xóa nghèo, xóa bỏ bất bình đẳng, xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn.
Về lâu dài, các nước cần có chính sách khuyến khích đào tạo nghề, hỗ trợ lao động và doanh nghiệp khi gặp khó khăn, rà soát luật pháp để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý 1-2023 có 51,1 triệu người có việc làm, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ 2022. Trong đó, 39% lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, tiếp đến là công nghiệp - xây dựng (33,9%) và nông lâm nghiệp, thủy sản (còn lại).
Về thu nhập, người lao động Việt hưởng trung bình 7,9 triệu đồng/tháng, tăng gần 580.000 đồng so với quý 1-2022.
Cũng trong quý 1-2023, 16.730 lượt doanh nghiệp tuyển dụng hơn 75.000 lao động và trên 72.000 người khác đi tìm việc (khoảng 45% có trình độ đại học).
Mỗi ngày có hơn 8.000 người tử vong
Còn bà Chihoko Asada-Miyakawa - giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương (ILO) - tái khẳng định môi trường làm việc an toàn, lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động.
Song ILO ước tính vẫn có khoảng 2,9 triệu phụ nữ và nam giới phải chịu ảnh hưởng của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc. Như vậy, trên 8.000 trường hợp tử vong/ngày, dẫn tới thiệt hại lớn về cả kinh tế và con người.
Nhắc lại thảm họa sụp đổ tòa nhà Rana Plaza (Dhaka, Bangladesh) ngày 24-3-2013, bà Chihoko bày tỏ đây là sự cố hiếm hoi được báo chí đưa tin. Qua điều tra, ít nhất trên 1.100 người, chủ yếu là công nhân may, đã thiệt mạng và hơn 2.500 người khác bị thương.
Qua gần 10 năm từ sự kiện trên, ILO đã đạt bước tiến lớn khi bổ sung nội dung "môi trường làm việc an toàn và lành mạnh" vào danh sách các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.
Việc này buộc 186 quốc gia thành viên của ILO, trong đó có Việt Nam, có nghĩa vụ tôn trọng và thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Qua đó, hàng tỉ lao động toàn cầu sẽ được bảo vệ khỏi rủi ro gây thương tích, bệnh tật, thậm chí tử vong ở chỗ làm.
"Khi người lao động cảm thấy an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc, họ sẽ làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Ngược lại, khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do các mối nguy hiểm tại nơi làm việc, sẽ có các tác động tiêu cực đáng kể đến năng suất làm việc và tăng trưởng kinh tế" - giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương ILO nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận