Về đề xuất này, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thúy Anh - quản lý dự án cúm gia cầm và cúm ở người (Ngân hàng Thế giới - WB) - cho biết con số 115 triệu USD mà Bộ Y tế đề xuất cho chống cúm A/H7N9 phải hiểu là con số tính toán cho các tình huống dịch khác nhau, không phải ngay một lúc.
Việt Nam cũng như các nhà tài trợ có thể huy động đủ nguồn lực này để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Việt Nam thật sự gây ấn tượng tốt với các nhà tài trợ trong việc phản ứng khá nhanh và hiệu quả đối với các dịch bệnh mới nổi. Tuy nhiên vẫn chủ yếu đáp ứng nhiều hơn là khả năng sẵn sàng ứng phó. Có lẽ con số này khi đưa ra đã tính toán đến việc nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó. Và số tiền này có thể là nhiều nếu như dịch bệnh không xảy ra và có thể là không đủ nếu dịch bệnh xảy ra với quy mô lớn hơn dự tính của các nhà chuyên môn.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự sắp xếp ưu tiên trong các hoạt động, sự lồng ghép với các hoạt động hiện có vì Việt Nam đang có nhiều chương trình phòng chống các bệnh dịch mới nổi và các bệnh dịch có nguồn gốc từ động vật. Điều quan trọng hơn là Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các đầu tư cơ sở và con người đã được thực hiện để phản ứng và nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó ở mức độ cao nhất, với phần đầu tư bổ sung ít nhất để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được hiệu quả của hệ thống” - bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Theo WB, tính đến nay WB đã có ba dự án hỗ trợ nỗ lực kiểm soát cúm gia cầm và cúm người cho Việt Nam với tổng số vốn 58 triệu USD. Một trong những kết quả đạt được là các xét nghiệm cúm gia cầm đã được Việt Nam thực hiện ở trong nước thay vì trước khi có dự án, hệ thống thú y của Việt Nam rất yếu. Hầu hết các xét nghiệm cúm gia cầm đều phải gửi sang Hong Kong và Úc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận