Nếu đang giảng bài mà thấy học trò ngó lơ, không tập trung là thầy bất ngờ đặt câu hỏi để kiểm tra sự tập trung của trò. Nhiều lần chúng tôi không trả lời được, thầy không trách mắng mà nhẹ nhàng nhắc nhở.
Cuối mỗi học kỳ thầy lại thông báo kết quả học tập của chúng tôi. Thầy không phân biệt trò giỏi, trò kém, khen hay phê bình trò nào cả. Thầy không đề cao điểm số, mà thầy dựa vào sự cố gắng, nỗ lực của từng trò.
Hầu như hôm nào sinh hoạt lớp, thầy cũng ngồi tâm sự với cả lớp. Khi thì chuyện học, lúc thì chuyện “ngoài lề” như tình bạn, tình yêu, về cách cư xử, về những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống.
Tôi không hiểu sao thầy biết điều kiện nhà tôi khó khăn, chạy ăn từng bữa. Một lần nọ thầy nhắn tôi ở lại lớp, rồi thầy đưa tôi một gói nhỏ bảo rằng: “Đây là tiền học cho năm sau, con giữ lấy, đến ngày nộp thì đem lên lớp nộp cho thầy”. Thầy còn nhắc khéo rằng: “Con không được nói với các bạn trong lớp đâu nghe con”.
Tôi cầm tiền của thầy, rưng rưng nước mắt. Tôi nói với thầy: “Con nợ thầy, năm nào thầy cũng cho con tiền”. Thầy lại an ủi: “Sau này thành đạt thì đem tiền trả lại cho thầy, lo gì. Thôi về đi”.
Trong mắt học trò chúng tôi, thầy như người cha khắt khe, nghiêm khắc mỗi khi giảng bài; nhưng có lúc lại như người mẹ nhân từ khi chỉ bảo học trò tận tình chuyện ăn, chuyện ở, chuyện cư xử. Tôi hiểu vì sao thầy được học trò hết lòng yêu kính!
Giờ thầy đã về hưu, chúng tôi cũng đã có gia đình, nhưng mỗi dịp 20-11 đến tôi lại nhớ về người thầy kính yêu của mình với lòng biết ơn sâu nặng.
Mỗi khi nghĩ về những lần thầy giúi tiền vào tay tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt thật nhân từ, để tôi tiếp tục được đến trường, tôi chỉ muốn chạy ngay đến với thầy nói với thầy rằng: “Con mang ơn thầy cả đời này, thầy ơi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận