Nhà đầu tư tăng "đẩy" tiền vào công ty chứng khoán chờ giao dịch trong bối cảnh lãi suất tiền gửi về thấp kỷ lục 20 năm.
"Ông lớn" chứng khoán nào giữ nhiều tiền nhất?
Thống kê Fiintrade từ 52 công ty chứng khoán (đại diện 94% vốn chủ sở hữu toàn ngành), số dư tiền gửi nhà đầu tư đạt gần 100.800 tỉ đồng cuối quý 1-2024, tăng hơn 21.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023.
Đây là mức tăng theo quý mạnh nhất 5 năm gần đây, đưa dư nợ tiền gửi nhà đầu tư lên mức cao kỷ lục.
Còn theo thống kê của Tuổi Trẻ Online, 10 công ty chứng khoán thị phần lớn nhất HoSE quý 1-2023 có số dư tiền gửi khách hàng hơn 74.500 tỉ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023 và chiếm 74% thị trường.
"Ôm" nhiều tiền nhất là Chứng khoán VPS - công ty chứng khoán có thị phần top 1 - với 25.155 tỉ đồng, tăng 52% sau 3 tháng. Riêng mục tiền gửi nhà đầu tư do công ty chứng khoán quản lý chiếm 25.083 tỉ đồng.
Đứng thứ hai về lượng tiền gửi là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - một công ty con của Techcombank, với 8.983 tỉ đồng, tăng hơn 55%. Trong đó, mục tiền gửi do công ty chứng khoán quản lý chiếm 4.586 tỉ đồng.
Trong bảng xếp hạng thị phần môi giới, TCBS đứng vị trí thứ 3 sau SSI. Tại SSI, cuối quý 1-2024, số dư tiền gửi khách hàng đạt 8.175 tỉ đồng, tăng 55%. Tiền gửi theo phương thức công ty chứng khoán quản lý chiếm 7.579 tỉ đồng.
VNDirect, cái tên được nhắc nhiều nhất tháng 3 với sự cố tin tặc nghiêm trọng từ ngày 24-3, lại có số dư tiền gửi "quay đầu" giảm.
Cụ thể, mục tiền gửi của khách hàng tại báo cáo tài chính quý 1-2024 của VNDirect chỉ còn 5.784 tỉ đồng, giảm hơn 9%, tương đương hơn 580 tỉ đồng.
Liệu số tiền gửi của khách hàng tại VNDirect có giảm tiếp hay sẽ tăng trở lại cần thời gian quan sát, bởi sang tháng 4 mới khắc phục xong sự cố tấn công mạng.
Đứng ở vị trí thứ 5-10 bảng xếp hạng thị phần lần lượt là: HSC, Vietcap, MBS, Mirae Asset, VCBS và FPTS.
Hầu hết số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty nêu trên đều lớn và tăng mạnh so với cuối năm 2023, như MBS với 5.674 tỉ đồng, tăng 34%; Mirae Asset với 5.629 tỉ đồng, tăng 27%... Trừ HSC và Vietcap giảm nhưng không đáng kể.
Gom tiền để… chờ tại công ty chứng khoán
Chiếm chủ yếu trong số dư tiền gửi nhà đầu tư là theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Thông thường số tiền này dạng "nằm chờ" ngắn hạn, để sẵn sàng giao dịch.
Bởi vậy, số tiền nằm chờ này càng tăng cao, thị trường càng kỳ vọng vào sự bùng nổ về thanh khoản. Tuy nhiên, khi thanh khoản đi xuống, sẽ được hiểu nhà đầu tư đang quan sát, chờ thời.
Thực tế theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục "gom" tiền để nằm chờ ở công ty chứng khoán dù thị trường vừa xuất hiện nhiều phiên chỉnh sâu.
Anh P. D.Tuân (TP.HCM) chia sẻ tài khoản mới "bốc hơi" 40 triệu đồng sau phiên điều chỉnh mạnh hàng chục điểm. Lo xuất hiện nhịp giảm sâu, anh Tuân "rút quân" về để bảo toàn số tiền còn lại.
"Nếu rút và tìm kênh đầu tư khác, rất dễ "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" nên nằm im là ổn nhất. Thị trường diễn biến bất ngờ, chưa kể nhiều tin đồn xuất hiện nên tôi nghĩ không riêng tôi, mà rất nhiều nhà đầu tư e dè "xuất quân" lúc này", anh Tuân nói.
Anh Tuân còn cho biết sẽ "gom" thêm tiền từ nhiều nguồn để sẵn sàng khi giao dịch. Nhà đầu tư này cho rằng nhiều mã được chiết khấu hợp lý, sẽ tìm thời điểm thích hợp giải ngân.
Tương tự, anh Võ Văn Thiện (Quảng Ngãi) cùng một vài người bạn thời đại học tạo một nhóm chung trên mạng để đầu tư chứng khoán, số tiền gốc khoảng 5 tỉ đồng.
Hầu hết số tiền này đang nằm chờ ở công ty chứng khoán.
Anh Thiện chia sẻ rất nhiều nhà đầu tư chứng kiến tài khoản "bay màu" gần đây. Mặc dù có tiền đang nằm chờ, nhóm bạn anh Thiện vẫn gom nhiều nguồn từ các kênh đầu tư nhỏ lẻ quy về một mối.
"Bây giờ mở mắt dậy kiểm tra tài khoản có còn nguyên hay không. Thị trường đang xuống mạnh và chưa kiểm soát được đà xuống. Mình vừa gom vừa theo dõi, tiền gom lại để nằm chờ điểm mua", anh Thiện nói.
Quan sát, giới "đánh chứng" các nhóm trên mạng xã hội cũng cho rằng thời điểm này nên "chờ thời cơ".
Cấm công ty chứng khoán huy động vốn trả lãi suất như ngân hàng
Cuối năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng có văn bản gửi các công ty chứng khoán nhằm chấn chỉnh việc huy động vốn nhà đầu tư rồi trả lãi suất như ngân hàng.
Thực tế thời gian qua, báo chí từng phản ánh việc một số công ty chứng khoán triển khai hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi hay các sản phẩm tài chính mới, nhưng thực chất là huy động vốn từ nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, lượng tiền gửi này bao gồm hai phần chính là tiền sẵn sàng chờ để giao dịch và thứ hai là dạng tiền gửi ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận