Ông HỒ THANH SƠN - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang - cho biết thêm:
Phóng to |
Người nghèo xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được địa phương tạo việc làm chằm lá lợp nhà - Ảnh: Trường Giang |
Ông Hồ Thanh Sơn - Ảnh: T.G. |
* Và cuối cùng tỉnh sẽ không giao chỉ tiêu nữa. Căn cứ nào để quyết định chuyện này, thưa ông?
- Tại hội nghị đánh giá công tác xóa đói giảm nghèo mới đây, các thành viên trong ban chỉ đạo thống nhất phải thay đổi cách nhìn về người nghèo, về cách làm, về hiệu quả giảm nghèo. Đó là công tác xóa đói giảm nghèo phải nhìn từ đôi mắt của người nghèo. Chỉ có như vậy mới biết người nghèo muốn gì, có nhu cầu gì để chính quyền hỗ trợ, chứ ngồi ở trên mà phán xuống, bắt anh A, chị B phải thoát nghèo trong năm nay là áp đặt, thiếu căn cứ.
Xuất phát từ đó, Sở LĐ-TB&XH thay đổi cách làm, thay vì giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo cho địa phương thì cho hộ nghèo tự đăng ký thời điểm thoát nghèo. Hộ A đăng ký năm 2014, hộ B đăng ký năm 2015... Căn cứ vào đó, tỉnh và địa phương sẽ có biện pháp giúp bà con làm ăn sinh sống, khi đủ điều kiện bà con sẽ tự trả sổ hộ nghèo.
* Ông từng thấy những chuyện tiêu cực trong bình xét hộ nghèo hoặc o ép dân thoát nghèo?
- Trước đây, tôi công tác ở Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang, có tham gia giám sát vấn đề này nhiều năm nên biết một số thủ thuật mà địa phương dùng để chạy theo thành tích. Trong suy nghĩ bình thường của nhiều người, làm công tác giảm nghèo phải tập trung vào những đối tượng nghèo nhất. Tuy nhiên, để chạy theo thành tích, các địa phương không ngần ngại làm ngược lại. Ví dụ năm nay địa phương này được giao chỉ tiêu đưa 30 hộ thoát nghèo thì mọi chính sách thoát nghèo sẽ tập trung vào 30 hộ khá nhất để “nung” họ lên đủ điều kiện thoát nghèo. Còn những hộ nghèo rớt mồng tơi thì bị bỏ bê, càng nghèo hơn.
Một hiện tượng nữa là sau khi bình xét hộ nghèo nhưng phát hiện số hộ nghèo vượt quá chỉ tiêu thì lãnh đạo địa phương gạt một số hộ ra. Để hợp thức hóa việc này, họ yêu cầu tổ chức điều tra và bình bầu lại. Thế là có được một bản thành tích đẹp...
* Chúng tôi biết có chuyện địa phương xét hộ nghèo theo quan hệ họ hàng, quen biết nên nhiều hộ không nghèo vẫn có sổ hộ nghèo, còn người nghèo rớt mồng tơi lại bị đẩy ra khỏi danh sách hộ nghèo...
- Việc công nhận hộ nghèo hoặc thoát nghèo đều làm theo quy trình chặt chẽ của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, trong thực tế không sao tránh khỏi có những nơi làm qua loa, không công khai dân chủ hoặc làm sai quy trình. Cụ thể như theo quy trình bình xét hộ nghèo thì phải bỏ phiếu kín, nhưng địa phương thay thế bằng biểu quyết. Đã có trường hợp khi biểu quyết xong các hộ xô xát lẫn nhau...
Nhiều tỉnh vẫn giao chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết sở không giao chỉ tiêu thoát nghèo cho địa phương mà do địa phương tự đăng ký nhưng phải căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo mà HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận với một số xã thì được biết hằng năm họ vẫn nhận chỉ tiêu giảm nghèo từ trên đưa xuống. Ông N.V.D., người có nhiều năm làm công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Long Hồ, cho biết năm nay ấp của ông được giao chỉ tiêu giảm nghèo 5 hộ, trong khi hiện tại ấp còn 16 hộ nghèo. Ông D. than thở: “Những hộ ở gần cuối danh sách rất khó có khả năng thoát nghèo vì họ không có đất sản xuất. Năm nào ở trên giao “quá tay” là dưới cơ sở như tui bị sốc cả năm đó”. Ngoài ra, các tỉnh như Long An, Bến Tre hằng năm đều có giao chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cho cấp huyện và từ huyện giao xuống xã trên tinh thần khuyến khích thực hiện. Mặc dù chỉ mang ý nghĩa khuyến khích thực hiện nhưng các tỉnh này xem việc giảm tỉ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí để bình xét nhiều danh hiệu thi đua cấp cơ sở. Ngọc Tài |
Bộ LĐ-TB&XH không giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương Đó là khẳng định của ông Ngô Trường Thi - phó vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) kiêm chánh văn phòng Chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia. Ông Thi cho rằng việc giao chỉ tiêu không thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề giảm nghèo, không thể giảm nghèo bền vững được. Thực tế ở các địa phương, mọi chương trình, kế hoạch đều bám sát nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh nên mới có tình trạng giao chỉ tiêu. Tuy nhiên, giao chỉ tiêu ở đây chỉ là để phấn đấu thực hiện. Mặc dù vậy nhưng có nơi chỉ tiêu đề ra lại thành sức ép cho phía thực hiện nên kết quả chưa chắc đã đúng thực chất. Theo ông Thi, việc xóa đói giảm nghèo cần phải thực chất, việc các địa phương có giao chỉ tiêu hay không không quan trọng, điều quan trọng là các giải pháp để thực hiện xóa đói giảm nghèo thế nào cho thực chất, kết quả phải phản ánh đúng thực trạng. Trước thông tin tỉnh Tiền Giang sẽ không thực hiện việc giao chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, ông Thi tán thành và hoan nghênh chủ trương của Tiền Giang. Ông Thi cho biết thêm ở khu vực Tây nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo rất có hiệu quả. Lâm Đồng phân loại đối tượng, có những đề án cụ thể bám sát từng đối tượng, mỗi đối tượng vận dụng lồng ghép các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo để từng hộ dân thoát nghèo một cách bền vững. Đ.Bình |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận