Theo đó, đến ngày 12-2, độ mặn đo được tại vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho) đã gần 2g/l. Mặn xâm nhập đến khu vực cống Xoài Hột (huyện Châu Thành) là 0,1g/l, cầu Kênh Xáng (huyện Châu Thành) là 0,06g/l.
Mặn xâm nhập sâu là do ảnh hưởng của triều cường và quy luật mặn. Sau đợt triều cường này, mặn sẽ giảm nhẹ nhưng cũng ghi nhận khoảng 1g/l tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo).
Từ đầu tháng 1-2024, cống Xuân Hòa đã lấy gạn chính thức để bổ cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Dự kiến cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, cống Xuân Hòa sẽ chính thức đóng ngăn mặn. Đến thời điểm này, nguồn nước khu vực ngọt hóa Gò Công rất dồi dào, bảo đảm phục vụ sản xuất.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, trên sông Tiền và sông Hàm Luông, độ mặn tại hầu hết các trạm có xu thế tiếp tục tăng vào những ngày đầu tuần theo chu kỳ triều đầu tháng giêng.
Độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 11 và 12-2 (mùng 2, 3 Tết) và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn trung bình nhiều năm, sau đó độ mặn giảm dần theo triều.
Chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 50-55km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 60-65km.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 40-45km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 45-55km.
Để bảo vệ diện tích đất sản xuất, toàn hệ thống cống ngăn mặn từ TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và 2 huyện gần biển Gò Công Tây, Gò Công Đông đều đóng kín. Riêng cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) người dân tranh thủ lấy gạn để cấp bổ thêm nguồn nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Hiện tại, nguồn nước ngọt trong kênh nội đồng ở tỉnh Tiền Giang còn khá dồi dào, toàn bộ diện tích trên 23.000ha lúa đông xuân ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông đều đủ nguồn nước ngọt.
Toàn bộ 6 công trình thủy lợi ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành và Cai Lậy đã xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành, sẵn sàng đóng kín khi có mặn xâm nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận