Ngày 26-4, thừa ủy quyền, ông Nguyễn Văn Danh - bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang - đã trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Gò Công cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công. Đây là thành phố thứ 2 trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Gò Công là vùng đất có giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, thị xã Gò Công chính thức được thành lập từ năm 1987, trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Công bố thành lập thành phố Gò Công của tỉnh Tiền Giang
Từ khi được thành lập thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang luôn xác định đây là trung tâm kinh tế đô thị vùng phía đông của tỉnh nên luôn quan tâm, tạo điều kiện để Gò Công vươn mình, phát triển. Đến nay, Gò Công đã hội đủ các điều kiện để trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Sau khi sắp xếp lại, thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung (giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỉ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.
Thành phố Gò Công được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 101,69 km2 và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh, để xứng tầm với thành phố, trên cơ sở quy hoạch, thời gian tới thành phố Gò Công sẽ mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu dân cư, khu đô thị để mở rộng không gian đô thị; tập trung mũi nhọn là dịch vụ, thương mại tích hợp với các lễ hội văn hóa để quảng bá, kích cầu du lịch trên địa bàn, nhằm hướng đến thành phố văn minh và hiện đại hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận