VN-Index đã đóng cửa tuần giao dịch thứ 23 của năm nay tại vùng 1.287,58 điểm, tăng gần 26 điểm (hơn 2%) so với cuối tuần trước với thanh khoản tăng nhẹ.
Tiền chảy vào nhóm ngành nào?
Cụ thể, dữ liệu từ Fiintrade cho thấy tổng giá trị giao dịch bình quân phiên cả 3 sàn trong tuần này đạt 25.982 tỉ đồng. Tính riêng khớp lệnh, đạt mức 22.910 tỉ đồng phiên, tăng 3,2% so với tuần trước và gần 9% với trung bình 5 tuần.
Nếu xét theo ngành, tỉ trọng phân bổ dòng tiền cải thiện ở ngành ngân hàng, thép, hóa chất, kho bãi hậu cần và bảo dưỡng, kéo chỉ số giá các ngành này tăng điểm.
Ngược lại, bất động sản, chứng khoán, dầu khí, dệt may có diễn biến giá kém tích cực hơn khi dòng tiền yếu đi.
Nhận định về diễn biến tuần qua, đội ngũ phân tích chứng khoán SHS cho biết chỉ số đã tăng điểm mạnh đầu tuần này trước khi có 4 phiên giao dịch tiếp theo diễn ra theo cùng một kịch bản là tăng hưng phấn phiên sáng nhưng phiên chiều sụt giảm.
Theo SHS, thị trường duy trì vận động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm. Nhiều mã và nhóm mã vẫn luân phiên thu hút dòng tiền, lực cầu gia tăng tốt tập trung vào nhóm mã vốn hóa lớn trong rổ VN30 (+1,8%), vốn hóa nhỏ (+1,4%).
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tuần qua vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh trong tuần này với -1.561 tỉ đồng trên HoSE.
SHS cho rằng VN-Index đang vượt lên vùng giá 1.285 điểm để hướng tới vùng giá 1.300 - 1.320 điểm - vùng giá cao nhất tháng 8-2022.
Với động lực hỗ trợ của các yếu tố cơ bản, tăng trưởng quý 2 và phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu lớn, ngân hàng với kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực.
VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250 - 1.320 trong tháng 6?
Trong báo cáo phân tích vừa công bố, đội ngũ chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết bước sang tháng 6, mùa kết quả kinh doanh quý 2 vẫn chưa sôi động. Do vậy, những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước vẫn là những nhân tố xúc tác chính trên thị trường chứng khoán.
Về dữ liệu vĩ mô, VDSC cho rằng dữ liệu mới công bố ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý 2 khả quan.
Còn về thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỉ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt để giảm. "Lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường", VDSC kỳ vọng.
Còn về triển vọng cắt giảm lãi suất từ Fed, sau 2 năm, tổ chức này đã đưa ra thông điệp "bồ câu" hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây. Do vậy về điểm số, VDSC dự báo VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250 - 1.320 trong tháng 6 này.
Nhóm cổ phiếu nào tăng tốt tuần qua?
Dữ liệu từ SHS cho thấy trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có diễn biến khá nổi bật khi tăng mạnh (+4,44%). Tiêu biểu là FPT (+5,5%), ITD (+30,31%), CMG (+12,32%)…
Các cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt với nhiều mã nổi bật như BVH (+3,46%), MIG (+3,35%)...
Nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 3,09% tiêu biểu với SAB (+16,47%), VNM (+3,67%), BNA (+16,82%), SAF (+7,96%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, bên cạnh sắc xanh đến từ VCB (+1,94%), TCB (+4,47%), STB (+10,41%) thì cũng đi ngang của VPB (+0%) hay sắc đỏ từ EIB (-0,75%).
Trong khi đó, các cổ phiếu ngành hóa chất điều chỉnh giảm -1,9% chủ yếu do DGC (-3,33%), ngoại trừ DCM (+4,13%), DPM (+8,19%), BFC (+3,55%).
Đột biến nhất tuần qua vẫn là cổ phiếu POW (+10,71%) khi có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với khối lượng giao dịch tăng mạnh, đạt 134,1 triệu cổ phiếu, tăng 5,2% so với tuần trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận