29/10/2014 09:25 GMT+7

​Tiền dạy thêm đi đâu?

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Đó là băn khoăn của nhiều giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk).

Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) giờ tan trường - Ảnh: Tr.Tân
Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) giờ tan trường - Ảnh: Tr.Tân

Theo quy định, tiền thu từ dạy thêm phải chi cho giáo viên 80% nhưng giáo viên trường này phản ảnh chỉ nhận được khoảng 50%.

Hè năm học 2013-2014, Trường THPT Phan Chu Trinh tổ chức ba khóa dạy thêm bao gồm ôn thi cấp tốc cho học sinh lớp 12, dạy hè các khối 11, 12 và ôn thi vào lớp 10. “Số tiền thu được hàng trăm triệu đồng nhưng trường không minh bạch trong thu chi” - một giáo viên bức xúc nói.

Thu 496,4 triệu đồng, giáo viên chỉ nhận 262,4 triệu đồng

Sẽ cho kiểm tra

Ông Trương Thức - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk - cho biết sở vẫn chưa nhận được phản ảnh của giáo viên về việc thu - chi trong hoạt động dạy thêm, học thêm tại Trường THPT Phan Chu Trinh.

Tuy nhiên, chiếu theo quy định thì giáo viên trực tiếp giảng dạy phải được hưởng 80% tổng số tiền thu được, số còn lại 20% được chi cho đội ngũ quản lý và cơ sở vật chất.

“Ở đây cần nói rõ là người trực tiếp giảng dạy là người trực tiếp đứng lớp. Trước phản ảnh này, sở sẽ cho kiểm tra để làm rõ việc thu - chi trong hoạt động dạy thêm, học thêm” - ông Thức nói.

Hồ sơ quản lý thu - chi học thêm của Trường THPT Phan Chu Trinh do giáo viên cung cấp ghi rõ khóa ôn thi cấp tốc cho học sinh thi đại học có 125 học sinh đăng ký, thu được 118 triệu đồng. Trong đó, nhà trường chi cho 15 giáo viên với số tiền 59,4 triệu đồng.

Ở khóa dạy hè có 302 học sinh đăng ký, trường thu 229,5 triệu đồng, chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy 137,9 triệu đồng.

Còn lớp ôn thi vào lớp chọn có 173 học sinh đăng ký, thu được 148,1 triệu đồng. Với khóa này, nhà trường chi cho 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy 65,1 triệu đồng.

“Theo thông tư số 17 ngày 16-5-2012 của Bộ GD-ĐT và quyết định số 08 của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 1-2-2013 quy định về dạy thêm, học thêm, tỉ lệ tiền giáo viên được nhận là 80% từ tổng nguồn thu, 20% sẽ dành cho công tác quản lý và sửa chữa cơ sở vật chất.

Tuy nhiên tổng số tiền nhà trường thu trong dịp hè 2013-2014 là hơn 496,4 triệu đồng, nhưng chi có 262,4 triệu đồng, tức khoảng 52,86%.

Số tiền còn lại hơn 234 triệu đồng (tương đương 47,14%) nhà trường chi vào việc gì, như thế nào giáo viên không rõ” - một giáo viên khác thắc mắc.

Ngoài ra, trong năm học 2013-2014, Trường THPT Phan Chu Trinh tổ chức dạy thêm cho 34 lớp học trong toàn trường, số tiền thu được hơn 1,2 tỉ đồng nhưng giáo viên cho rằng họ được chia chưa thỏa đáng.

“Cũng theo các quy định về dạy thêm, học thêm thì việc thu tiền học thêm của học sinh dựa trên sự thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh nhưng không quá 6.000 đồng/tiết. Tuy nhiên, trong các khóa dạy thêm dịp hè của nhà trường đều thu gần 6.800 đồng/tiết đến hơn 13.000 đồng/tiết” - giáo viên phản ảnh.

Nhà trường nói gì?

Ông Bùi Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh - cho biết trong dịp hè vừa qua nhà trường có tổ chức dạy thêm, tổng thu cả ba đợt là 463 triệu đồng, đã chi cho giáo viên 268 triệu đồng (gần 58%), còn lại hơn 195 triệu đồng nhà trường chi công tác quản lý, công tác khác.

Tổng số tiền dạy thêm học thêm thu được trong năm học 2013-2014 là 1,443 tỉ đồng, đã chi cho giáo viên 1,043 tỉ đồng (trong đó tính cả giáo viên trực tiếp giảng dạy và các hoạt động khác như nhập liệu, hướng dẫn, giám thị... được quy đổi ra tiết - PV).

“Có sự sai lệch giữa phản ảnh của giáo viên và số liệu nhà trường vì người này chưa nắm rõ số học sinh được miễn giảm” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng thừa nhận số tiền thu của học sinh trong dịp dạy hè cao hơn 6.000 đồng/tiết nhưng “dạy hè là hoạt động đặc thù nên phải thu cao hơn để kích thích giáo viên giảng dạy.

Thu đúng quy định thì nguồn thu để trả giáo viên thấp quá, không ai muốn dạy. Thu như vậy là thấp hơn nhiều so với các trung tâm luyện thi khác ở thành phố” - ông Tuấn lý giải.

Dọn vệ sinh cũng được tính vào... trực tiếp giảng dạy

Theo ông Phạm Văn Chí - hiệu trưởng nhà trường, để tổ chức một khóa dạy thêm trong hè ngoài giáo viên trực tiếp giảng dạy phải có thêm một đội ngũ các giáo viên, công nhân viên khác.

Những người này làm công tác quản nhiệm và dạy hướng dẫn, định hướng, dọn vệ sinh sân trường, lớp học, chiêu sinh, nhập liệu... để đảm bảo lớp học ổn định, nề nếp. Đội ngũ này không giảng dạy nhưng cũng không phải người quản lý nên nhà trường tính vào phần người trực tiếp giảng dạy.

Ông Chí dẫn chứng trong tổng số 102 triệu đồng thu từ khóa ôn thi cấp tốc, trường trích hơn 20,4 triệu đồng (20%) cho công tác quản lý, cơ sở vật chất. Số còn lại hơn 81,7 triệu đồng (80%) được chia cho giáo viên trực tiếp giảng dạy là gần 58,3 triệu đồng (gần 57%) và hơn 23,2 triệu đồng (hơn 22,5%) cho giáo viên quản lý lớp, giám thị, công tác chiêu sinh, nhập số liệu...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp