Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: straitstimes.com
Trong 40 năm trở lại đây, số trẻ sinh ra ở tuần thứ 28 của thai kỳ đã được kiểm soát và hầu như không còn, nhưng số các trường hợp sinh non với tuổi thai nhi ở khoảng 24, 23, 22 tuần tuổi lại tăng.
Tỉ lệ sống sót và phát triển khỏe mạnh ở trẻ sinh non đã được cải thiện đáng kể từ những năm 80 của thế kỷ trước nhờ những tiến bộ trong khoa học và y tế.
Đây là kết quả của các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 26-3.
Theo các nhà khoa học Mỹ và Thụy Điển, 28 tuần tuổi là độ tuổi sớm nhất mà một thai nhi có thể rời khỏi bụng mẹ với cân nặng ở thời điểm này vào khoảng 1kg. Những trẻ sơ sinh này được coi là sinh non và phải được chăm sóc đặc biệt để duy trì sự sống.
Tuy nhiên, trong vòng 40 năm trở lại đây, số trẻ sinh ra ở tuần thứ 28 của thai kỳ đã được kiểm soát và hầu như không còn. Song, số trường hợp sinh non với tuổi thai nhi ở khoảng 24, 23, thậm chí 22 tuần tuổi lại tăng lên.
Những trẻ sinh ra ở thời điểm này có cân nặng chưa tới 1kg - thậm chí chỉ 500gr. Theo ông Mikael Norman - đồng tác giả công trình nghiên cứu và là bác sĩ chuyên khoa sơ sinh tại Đại học Karolinska ở Stockholm, trước đây trẻ sinh ở tuần thứ 22 hoặc 23 của thai kỳ thường không có cơ hội sống sót.
Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện nhờ những tiến bộ của khoa học như hoạt chất tạo tính bề mặt nhân tạo giúp hỗ trợ hệ hô hấp còn non yếu của trẻ, tiêm hợp chất vitamin và hormone cho trẻ ngay sau khi sinh ra nhằm tăng cường sự phát triển của phổi và hỗ trợ thở bằng máy.
Đây là những kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Đã có nhiều nước thành công trong việc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non, trong số đó có Thụy Điển.
Tại nước này, trong các năm từ 2014-2016, đã có 77% số trẻ sinh ra ở tuần thứ 22 đến tuần thứ 26 của thai kỳ đã sống sót ít nhất trong 1 năm, cao hơn mức 70% của 10 năm trước đó.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống y tế chăm sóc trẻ sinh non như hỗ trợ thở bằng máy ngay khi trẻ sinh ra và đưa trẻ sinh non vào phòng chăm sóc đặc biệt (NICU).
Đối với trẻ sinh ra khi chưa được 22 tuần tuổi, tỉ lệ sống sót đã được cải thiện đáng kể, từ 3,6% lên mức 20% trong vòng 10 năm qua, tỉ lệ này đối với trường hợp 26 tuần tuổi là 80%.
Tại các nước như Anh, Pháp, và Mỹ, tỉ lệ sống ở những trẻ ít hơn 26 hoặc 27 tuần tuổi lại thấp, chỉ vào khoảng 35-40%.
Theo một kết quả nghiên cứu, sự bất bình đẳng về chất lượng chăm sóc phụ nữ tiền sinh sản tại Mỹ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Nghiên cứu này chỉ rõ sự phân chia về chủng tộc tại Mỹ đã phản ánh hệ thống y tế của nước này khi những trẻ sơ sinh da màu thường được sinh ra tại những bệnh viện kém chất lượng.
Tuy nhiên, tỉ lệ sống sót ở những trẻ sinh non tại Mỹ vẫn được cải thiện. Theo nghiên cứu, 13% trong số những trẻ sinh ra khi được 22 hoặc 26 tuần tuổi và nặng chưa tới 500gr tại 21 bệnh viện của Mỹ ở giai đoạn từ năm 2008-2016 đã sống sót. Trong số này, có một trẻ chào đời chỉ nặng 300gr.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận