Vì sao nên tiêm vắc xin phòng cúm?
Cúm là bệnh do vi rút cúm (Influenzae) gây ra ở đường hô hấp gồm mũi, họng, phế quản và phổi. Vi rút cúm có rất nhiều týp nhưng týp A và B được xác định có khả năng biến đổi hàng năm, có khả năng gây bệnh nghiêm trọng và trở thành dịch trên phạm vi toàn cầu như dịch cúm A (H1N1), A (H5N1), A (H7N9)... Vi rút cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp. Khi tiếp xúc trực tiếp với người đang bị cúm: qua hắt hơi, bắt tay, hoặc gián tiếp như sờ tay nắm cửa, vòi nước bị nhiễm vi rút cúm...
Trong quá trình mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể thai phụ hoạt động kém hơn bình thường, rất nhiều yếu tố trong cơ thể người phụ nữ bị biến đổi đưa đến nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe. Do hệ miễn dịch suy giảm nên các bệnh truyền nhiễm do vi rút, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai.
Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ nếu thai phụ bị cảm cúm thì ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Nguyên nhân là do 3 tháng đầu là thời gian hình thành em bé, sắp xếp các tổ chức đầu, mặt mũi, chân tay... Nếu thai phụ bị cảm cúm thì các vi rút cảm cúm sẽ có thể đi qua nhau thai vào máu và làm rối loạn những sắp xếp tổ chức, rối loạn nhiễm sắc thể từ đó gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi như dị dạng, sứt môi, não tụ huyết, không có não và dị dạng đầu nhỏ, mắc bệnh tim bẩm sinh... Ngoài ra, một số trường hợp thai phụ bị cúm có thể làm tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu, hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng cúm là cách tốt nhất để bảo vệ thai phụ và thai nhi khỏi những nguy hiểm nêu trên. Khi mang thai nghĩa là thai phụ đang chia sẻ mọi thứ cho thai nhi, cho nên nếu cơ thể thai phụ nhận được vắc xin phòng cúm thì cũng đang cho thai nhi một sức đề kháng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Thời điểm tốt nhất để tiêm là khi nào?
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tiêm vắc xin ngừa cúm trước khi có dự định mang thai, còn khi đang mang thai thì không nên chích ngừa (thời gian này chỉ có chích ngừa bệnh uốn ván). Tiêm vắc xin ngừa cúm có hiệu lực bảo vệ từ 70% - 80%.
Khi bạn được tiêm vắc xin ngừa cúm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại nhiễm vi rút. Kháng thể là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể được sử dụng để giúp chống lại và diệt vi khuẩn, vi rút có hại. Thông thường sau 2 tuần kể từ lúc tiêm phòng thì vắc xin ngừa cúm mới phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể, do đó nếu dự định mang thai thì tốt nhất nên tiêm vào thời điểm 3 tháng trước khi mang thai hoặc trước khi bắt đầu mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 3).
Vắc xin ngừa cúm cần được tiêm nhắc lại mỗi năm vì tác dụng của vắc xin trong việc bảo vệ cơ thể sẽ giảm sút theo thời gian.
Hầu hết các chủng vắc xin ngừa cúm đều chứa một lượng nhỏ protein từ trứng do nuôi cấy vi rút trong trứng, vì vậy những người bị dị ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc xin cúm do có khả năng bị dị ứng.
Chủ động phòng ngừa
Mỗi năm, các cơ quan y tế công cộng sẽ dự đoán trước chủng cúm nào sẽ lưu hành và sẽ sản xuất ra loại vắc xin chống lại chủng cúm mà họ dự đoán tốt nhất. Tuy nhiên, chủng cúm lưu hành không phải lúc nào cũng đúng như dự đoán, do đó vắc xin chỉ có hiệu quả cao nhất nếu chủng cúm lưu hành gần giống với chủng cúm được dự đoán. Nhưng nếu chủng cúm lưu hành không giống với chủng cúm dự đoán thì vắc xin phòng cúm vẫn có tác dụng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể và có tác dụng bảo vệ nhất định với cơ thể (cơ chế này được gọi là bảo vệ chéo). Những kháng thể này có thể sẽ giúp cơ thể không bị nhiễm cúm hoặc khi mắc bệnh cúm thì kháng thể giúp bảo vệ chống lại các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm.
Vì vậy, thai phụ đã tiêm vắc xin ngừa cúm vẫn phải chủ động phòng ngừa mắc bệnh cúm bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vì trong xà phòng có tính kháng khuẩn giúp chống lại các loại vi rút, trong đó có vi rút gây cúm.
- Tích cực bổ sung những thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch như chất đạm, hoa quả giàu vitamin...; uống nhiều nước, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối thường xuyên. Có thể uống nước mật ong thêm gừng hoặc chanh nóng cũng rất tốt cho sức khỏe.
- Tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm.
- Khi ngủ, tránh để quạt xoay thẳng vào mặt; tránh sờ tay lên mặt để hạn chế sự lây lan vi khuẩn từ bàn tay lên cơ thể; tránh xa khói thuốc lá; không uống các chất có cồn; tích cực đi bộ hít thở không khí trong lành và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
- Trong trường hợp chẳng may thai phụ bị cúm, không nên quá lo lắng để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi mà nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận