Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 15-1, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em khai mạc phiên họp kéo dài một ngày rưỡi để làm việc với Chính phủ, các cơ quan hữu quan về chủ đề này.
Trước đó, đoàn giám sát đã chia làm 3 đoàn nhỏ đến nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá thực trạng.
Các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình thực tế
Tổng hợp báo cáo của đoàn giám sát cho thấy số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).
Trong khoảng thời gian 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại 8.091 em. Đáng chú ý, hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục trẻ em, với 6.337 vụ và 6.432 trẻ em bị xâm hại.
Tuy vậy, trong cả báo cáo của Chính phủ và đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, giống như phần nổi của tảng băng. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - phó trưởng đoàn giám sát của Quốc hội - đặc biệt lưu ý tình trạng người thân trong gia đình xâm hại trẻ em, với tỉ lệ đáng báo động (xâm hại tình dục chiếm 21,3%, bạo lực 65,8%). Nhiều vụ án, vụ việc bị phát hiện và xử lý cho thấy kẻ xâm hại trẻ em chính là những người thân, thậm chí bố đẻ.
Cơ sở giáo dục cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều vụ xâm hại bị phát hiện sau đó khởi tố, xử lý hành vi xâm hại trẻ em trong các trường học cho thấy mức độ nghiêm trọng.
"Có thể nói, lẽ ra nhà trường và gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ em. Song vấn đề mới và nổi lên trong giai đoạn này là việc nhiều trẻ em bị người ruột thịt, người thân trong gia đình, bị thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" - tổ trưởng tổ giúp việc của đoàn giám sát, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với trẻ em trên mạng
Mạng xã hội phát triển cũng trở thành môi trường phát sinh các hành vi tội phạm về xâm phạm trẻ em, trong khi đó phần lớn trẻ em Việt Nam tự tìm tòi, chủ động tham gia mạng xã hội khi chưa được giáo dục, tư vấn các kỹ năng an toàn trên môi trường Internet.
Qua khảo sát, phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng mạng xã hội nhưng nhiều học sinh trả lời không cho bố mẹ can thiệp vào việc các em sử dụng mạng xã hội và cho rằng đó là quyền riêng tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với các em trên mạng.
Góp ý về các giải pháp nhằm phòng chống xâm hại trẻ em, đa số các ý kiến đề tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia tâm lý làm việc tại các cơ sở giáo dục.
"Chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay"!
Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Thị Quốc Khánh còn đề nghị "tiêm thuốc" các đối tượng xâm hại trẻ em.
"Ở các nước họ có những loại thuốc mà khi tiêm cho những kẻ 'bệnh hoạn' sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao Bộ Y tế và Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay" - bà Khánh nói.
Đại biểu Quốc Khánh cũng đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng chống xâm hại trẻ em.
Cần có dữ liệu này để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết. Những kẻ đó đi đâu, người ta nhìn thấy mặt là tránh xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận