Nội dung trên được các chuyên gia nêu tại diễn đàn Một Việt Nam toàn cầu (One Global Vietnam- La Francophonie 2024), tổ chức ngày 5-10 tại Paris (Pháp). Diễn đàn do AVSE Global - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - tổ chức nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19.
Diễn đàn quy tụ 100 chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau và từ 10 quốc gia trên thế giới khám phá những triển vọng của Cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới.
Việt Nam như một mô hình đổi mới trong chuỗi logistics
Tại phiên thảo luận về thương mại công nghệ hướng tới đổi mới tăng trưởng xanh, ông Pierre Fenies, giáo sư Trường đại học Tổng hợp Paris-Pantheon Assas đề cập những thay đổi trong chuỗi logistics theo thời gian và vai trò tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Pierre cho rằng về mặt lịch sử, logistics mang tính chất địa phương, nhưng với quá trình toàn cầu hóa trong thời gian qua đặc biệt là thập niên 1980, 1990 logistics đã trở thành toàn cầu.
Tuy nhiên đại dịch năm 2020 đã phá vỡ động lực này và buộc phải đánh giá lại chuỗi cung ứng.
Đối với Việt Nam, ông nhìn nhận như một mô hình đổi mới trong chuỗi cung ứng và nên tập trung vào việc tái sử dụng và tái chế các linh kiện điện tử.
Việt Nam đã phát triển chuyên môn công nghiệp trong lĩnh vực này và điều đó sẽ cho phép Việt Nam trở thành nhà cung cấp quan trọng cho cộng đồng Pháp ngữ.
Không chỉ vậy Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang các mô hình logistics bền vững và có thể xuất khẩu, không chỉ ở châu Phi mà còn ở cả châu Âu.
“Có một tiềm năng mạnh mẽ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ trong việc phát triển chuỗi logistics nội địa hóa một phần, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như linh kiện điện tử.
Nó làm nổi bật sự nhanh nhẹn và khả năng thích ứng của Việt Nam, cho phép Việt Nam phát minh ra các mô hình chuỗi cung ứng địa phương, điều mà các nước phát triển cứng nhắc hơn khó có thể làm được” ông Pierre nói.
“Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển năng lượng tái tạo”
Ông Dominici Matteo (chủ tịch Merja Zarka, phụ trách các vấn đề xã hội và quản trị Terrafrica Tech, Maroc) nói về tầm quan trọng trong việc hợp tác giữa các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ mới.
Và mối liên kết về văn hóa và ngôn ngữ vẫn là tài sản quý giá để tăng cường quan hệ giữa Pháp và các quốc gia trong khối Pháp ngữ, nhất là các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Matteo,Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển điện gió, năng lượng mặt trời…
Việt Nam cũng là một minh chứng thành công khi 6 tháng đầu năm đạt hơn 15 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Ông Matteo cho rằng các nước châu Phi có thể tham khảo mô hình của Việt Nam để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Trang, nhà khoa học về dữ liệu và AI, Tập đoàn Dennemeyer, nêu vấn đề giải quyết những thách thức liên quan đến việc đánh thuế các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong môi trường quốc tế.
Thực trạng hiện nay với việc ứng dụng công nghệ, một công ty có thể phát triển ở một quốc gia nhưng khách hàng ở một quốc gia khác.
Mô hình phi vật chất hóa này đặt ra những thách thức trong việc xác định nơi doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế, đặc biệt trong trường hợp không có hiện diện thực tế nhưng có hoạt động kinh tế đáng kể. Vấn đề chuyển giá thời gian qua đã cho phép các công ty đa quốc gia tái phân bổ lợi nhuận của họ từ nước này sang nước khác, thường nhằm mục đích giảm gánh nặng thuế.
Theo bà Trang, bên cạnh việc đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn một số công ty gần như không phải trả thuế, cũng cần có sự hỗ trợ pháp lý giữa các nước trong khu vực để thu hút doanh nghiệp thông qua chế độ thuế hấp dẫn. Từ đó tạo động lực cho các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ đổi mới, sáng tạo.
Việt Nam là cầu nối hợp tác giữa châu Á và Cộng đồng Pháp ngữ
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Khương, giám đốc điều hành, Trường Kinh doanh EMLV, chủ tịch AVSE Global - cho rằng Việt Nam nằm trong Cộng đồng Pháp ngữ và đóng vai trò rất tích cực trong khu vực ở châu Á, và là cầu nối cho các hoạt động hợp tác đa lĩnh vực liên quan đến ngoại giao kinh tế giữa các nước châu Á và Cộng đồng Pháp ngữ.
Diễn đàn OGVF 2024 lần này tập trung vào đối thoại trao đổi làm sâu sắc hơn những khía cạnh xoay quanh thế mạnh địa chính trị, kinh tế, công nghệ, giáo dục, y tế và văn hóa của Việt Nam được đưa vào tầm nhìn chung với nhiều quốc gia chiến lược như Pháp, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Canada cũng như với các khu vực kinh tế đang phát triển của châu Phi.
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh nhìn nhận Đảng và Nhà nước luôn trân trọng ý kiến đóng góp tư vấn của tri thức Việt ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước, thông qua phê duyệt nhiều nghị quyết có nội dung liên quan đến đội ngũ trí thức ở nước ngoài.
Việc này có thể khai thác nguồn nhân lực giúp phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ trên nhiều khía cạnh như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và khoa học công nghệ, và phát triển thương hiệu Việt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận