Thời gian gần đây, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler, trong đó có trường hợp nữ bệnh nhân gặp biến chứng khi tiêm filler ở nước ngoài.
Vội đặt máy bay về Việt Nam điều trị
Nhớ lại giây phút bàng hoàng khi gặp biến chứng ngay khi vừa tiêm filler, chị Đ.T.N. (30 tuổi) đang sống và làm việc tại Nhật Bản kể lại cảm giác đầu tiên chị cảm nhận là thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.
Dù được tiêm thuốc giải ngay lập tức, nhưng chị N. vẫn thấy khó chịu, nôn nao. Buổi chiều cùng ngày, chị N. đã tới bệnh viện để kiểm tra, được bác sĩ khám, không can thiệp gì và dặn về nhà theo dõi thêm, tình hình sẽ ổn hơn sau một tháng.
Tuy nhiên, hôm sau các triệu chứng gặp phải có dấu hiệu nặng thêm, mắt đỏ nhiều, khi đến bệnh viện để cấp cứu thì mắt đã phù nề áp lực cao và không còn nhìn thấy rõ nữa.
Đến ngày thứ ba sau khi tiêm filler, chị N. đã quyết định đặt vé máy bay để điều trị. Khi được chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, chị N. đã tiêm filler được 6 ngày.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, người bệnh đến viện trong tình trạng mắt phải phù nề căng tím đỏ, thị lực gần như mất hoàn toàn, chỉ còn phân biệt được sáng tối một cách khó khăn, sụp mi rõ, cơ vận nhãn trong liệt hoàn toàn.
Các bác sĩ nhận định đây là ca tai biến rất nặng sau tiêm filler gây biến chứng đến hệ mạch máu của mắt, dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang - thành viên của kíp cấp cứu - cho biết khi người tiêm filler không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.
Khi đó thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não. Người bệnh có thể bị đột quỵ nếu thuốc gây tắc mạch máu não, hoặc mù mắt nếu tắc động mạch mắt, đặc biệt là động mạch trung tâm võng mạc.
Tiêm filler làm đẹp vòng 1, cô gái trẻ chịu đau đớn
Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do tiêm filler ngực.
Sau khi sinh hai con, chị N.C.T. (31 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) đã đến thẩm mỹ viện sử dụng biện pháp tiêm filler để làm đẹp vòng 1.
Ba năm sau khi tiêm filler, chị T. thấy trong ngực nổi các khối lổn nhổn, thường xuyên sưng đau nên đã đi khám tầm soát ung thư. Kết quả, các bác sĩ cho biết không rõ có ung thư hay nhân xơ, mà các khối trong người là các filler đọng giống như các khối u filler và khuyên chị nên đến bệnh viện tuyến trung ương để khám và điều trị.
Tuy nhiên, chị T. lại tới thẩm mỹ viện để hút filler. Ngay sau đó, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, chị mới tìm đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức để khám.
Kết quả khám cho thấy rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục u filler tạo thành nhiều lớp, rải rác khắp ngực cả trong tuyến vú, đặc biệt xuất hiện tại nhiều vị trí trong cơ ngực lớn.
Ca phẫu thuật trong gần 6 tiếng đã được các bác sĩ tiến hành để lấy những khối u này ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Hiện chị T. đã có tình trạng ổn định, không sốt.
Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín khi có nhu cầu tiêm filler làm đẹp.
Sau khi tiêm, người làm đẹp cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận