27/09/2018 09:51 GMT+7

Tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang - vị lãnh đạo tận tụy

M.HOA - P.TUẦN - H.THANH - N.HIỀN - TTXVN
M.HOA - P.TUẦN - H.THANH - N.HIỀN - TTXVN

TTO - Ngày 26-9, đã có hàng ngàn đoàn cán bộ lãnh đạo, nguyên thủ nước ngoài, các nhà ngoại giao và người dân đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong niềm tiếc thương vô hạn...

Tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang - vị lãnh đạo tận tụy - Ảnh 1.

Từ trái sang: nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động tại lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 26-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sáng 26-9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã tổ chức trọng thể lễ viếng theo nghi thức tại Nhà tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Lễ viếng được tổ chức trọng thể cùng thời điểm tại Nhà tang lễ quốc gia, Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và quê hương Chủ tịch nước, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tổn thất lớn

Tại Nhà tang lễ quốc gia, đúng 7h, lễ viếng được cử hành trọng thể trong nền nhạc trầm buồn Hồn tử sĩ. Mở đầu lễ viếng, đoàn gia đình, họ hàng nội ngoại của Chủ tịch nước Trần Đại Quang do phu nhân Nguyễn Thị Hiền cùng các con dẫn đầu, đã xúc động dâng hương, dâng hoa trước linh cữu.

Tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang - vị lãnh đạo tận tụy - Ảnh 2.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong niềm tiếc thương sâu sắc, đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng.

Xúc động ghi vào sổ tang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết:

"Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là với lực lượng công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã dẫn đầu các đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tới viếng và chia buồn cùng gia quyến còn có nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước...

"Anh Quang ơi!..."

Cùng ngày, ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã xếp hàng vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).

Tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang - vị lãnh đạo tận tụy - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang - Ảnh: T.Tr.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động ghi vào sổ tang:

"Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí đã có nhiều quan tâm, ủng hộ việc xây dựng các chủ trương, chính sách để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước.

Trong thời gian là đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đồng chí đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân TP để có hướng giải quyết kịp thời".

Giờ nghỉ trưa, chợt có tiếng khóc lớn vang lên ở góc hội trường. Một phụ nữ đứng tuổi giàn giụa nước mắt vừa khóc vừa gọi "Anh Quang ơi!...".

Bà giới thiệu mình là Hoàng Thị Vân, 58 tuổi, là người hàng xóm lớn lên cùng Chủ tịch nước. Bà hiện sống và làm việc ở Mỹ, mới bay về Việt Nam và vội vào Hội trường Thống Nhất để viếng người anh cùng xóm lần cuối.

Khi biết ông bị bệnh, nhiều lần bà muốn sắp xếp để về thăm nhưng không thực hiện được, tới bây giờ thì không kịp nữa.

Gần cuối ngày, cụ ông Nguyễn Sinh Thọ (97 tuổi, quê ở Nghệ An, hiện sống tại TP.HCM) được con cháu dìu tay vào để viếng Chủ tịch nước.

Tại phòng ghi sổ tang, ông Thọ tự tay viết vào sổ những tâm tư, chia sẻ nỗi đau mất mát khi nghe tin Chủ tịch nước từ trần.

Hay người đồng đội cùng quê Ninh Bình, Phạm Thế Niệm (72 tuổi) nhớ lại những ngày tháng cùng công tác trong Bộ Công an với Chủ tịch nước.

Cựu trinh sát công tác tại Cục An ninh kinh tế nhớ lại: "Hai anh em công tác ở hai đơn vị khác nhau nên ít gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp nhau, Chủ tịch nước rất tình cảm với đồng đội dù là ở cương vị nào".

Tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang - vị lãnh đạo tận tụy - Ảnh 4.

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Ảnh: Nguyễn Khánh

Quê nhà thương tiếc

Sáng sớm 26-9, trời đổ những hạt mưa nhỏ trên mảnh đất xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhưng đến thời khắc tổ chức lễ viếng, trời hửng nắng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến dự lễ viếng.

Là người con Quang Thiện, cũng từng làm nhiệm vụ trong lực lượng công an, ông Đỗ Anh Hào (xóm 13, xã Quang Thiện) không giấu được nỗi buồn: "Cùng quê hương, cùng xóm làng, học xong mỗi người mỗi việc, mỗi người một nhiệm vụ, anh em cùng làm trong lực lượng công an với nhau, bác ấy công tác ở ngoài bộ, còn anh em chúng tôi ở cơ sở. Không gặp được bác ấy nhiều, nhưng nếu gặp thì tình anh em, tình đồng đội rất cởi mở".

Sinh ra và lớn lên tại xóm 13, cụ Phan Thị Huê (80 tuổi) cho biết gia đình của Chủ tịch nước nghèo, bố mất sớm, một mình người mẹ gồng gánh nuôi dạy sáu anh em ăn học. Cụ Huê nói: "Mở tivi mới biết tin bác ấy mất, thương xót lắm".

Dù sức khỏe yếu nhưng cụ Trần Thị Nương (78 tuổi, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn) cùng nhiều cụ bà nhờ con cháu chở đến xã Quang Thiện. Thường xuyên xem tivi thấy hình ảnh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cụ Nương nhớ lại chừng một tuần trước cụ xem hình ảnh của Chủ tịch nước thấy gầy hơn trước nhiều.

Cụ Nương rưng rưng: "Chỉ một tối không thấy hình ảnh bác ấy trên tivi thì ngày mai nghe tin mất rồi. Hay tin bác ấy mất, cùng quê hương nên tôi thương tiếc lắm".

Chia sẻ của bạn bè quốc tế

* Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak yeon:

Đóng góp cho tình hữu nghị Việt - Hàn

quoctang2

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sáng 26-9, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon dẫn đầu đoàn đại biểu Hàn Quốc đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thủ tướng Lee Nak Yeon ghi sổ tang: "Tôi rất buồn khi nghe tin ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông là một nhà lãnh đạo đã hi sinh cho Tổ quốc.

Thay mặt Chính phủ Hàn Quốc, tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới nhân dân và Chính phủ Việt Nam trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Người dân Hàn Quốc sẽ luôn ghi nhớ sự quan tâm của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho tình hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam và sẽ nỗ lực tiếp tục phát triển quan hệ hai nước".

* Thủ tướng Campuchia Hun Sen:

Campuchia mất đi một người bạn tốt

qtang5

Thủ tướng Hun Sen ghi sổ tang - Ảnh: Facebook Thủ tướng Hun Sen

Sáng 26-9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã dẫn đầu đoàn Campuchia tới Hà Nội viếng tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

"Sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là mất đi một người bạn tốt của nhân dân Campuchia cũng như cá nhân tôi đã từng có nhiều kỷ niệm tốt với nhau.

Chúng tôi luôn ghi nhớ những cố gắng của Chủ tịch trong nâng cao tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia đã mang lại hạnh phúc và phát triển cho nhân dân Việt Nam và Campuchia" - Thủ tướng Hun Sen viết trong sổ tang.

* Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward:

Không quên cuộc nói chuyện bằng tiếng Việt

qtang3

Nhà riêng Đại sứ Anh Gareth Ward tại Hà Nội treo cờ rủ tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Ảnh: Facebook Đại sứ Gareth Ward

"Tôi có vinh hạnh trò chuyện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp trình quốc thư cho ông vào tháng 8 năm nay. Và tôi sẽ không bao giờ quên cuộc nói chuyện bằng tiếng Việt với ông.

Tại buổi gặp, chúng tôi đã thảo luận chi tiết những kế hoạch kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi cũng nói về vai trò chung của hai nước trong việc thúc đẩy thương mại tự do và duy trì an ninh thông qua Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.

Chúng tôi nhất trí cao về việc hai nước có nhiều tiềm năng để hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo đổi mới, để khai thác triệt để tiềm năng của Việt Nam. Tôi xin chia sẻ mất mát với người dân Việt Nam trong thời khắc đau buồn này".

QUỲNH TRUNG - TIẾN TRÌNH

1.500 đoàn, 50.000 người đến viếng

Ban tổ chức lễ quốc tang cho biết tính đến 17h ngày 26-9, đã có khoảng 1.500 đoàn trong nước, quốc tế với số lượng ước tính khoảng 50.000 người đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước do điều kiện không đến được đã gửi vòng hoa viếng, chia buồn cùng gia đình.

Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổ chức vào 7h30 ngày 27-9 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và quê hương Chủ tịch nước, xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Lễ an táng sẽ diễn ra từ 15h30 cùng ngày tại quê hương Chủ tịch nước.

Ký ức của thầy giáo chủ nhiệm

Trong căn nhà nhỏ, thầy Lê Kim Toàn từng là giáo viên chủ nhiệm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Trường cấp III Kim Sơn (nay là Trường THPT Kim Sơn B) mân mê tấm ảnh duy nhất chụp với Chủ tịch nước.

Năm nay ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu nên thầy Toàn không thể đến tận nơi đưa tiễn cậu học trò năm nào về cõi vĩnh hằng. Trong ký ức của người thầy, lớp học 35 học sinh nhưng cậu học trò Trần Đại Quang năm nào luôn chăm ngoan, chịu khó, học giỏi, lại thông minh khiến thầy ấn tượng nhất.

Thầy giáo Toàn xúc động nhớ lại tháng 5-2016, ông Trần Đại Quang về thăm quê nhà, lúc bấy giờ vừa đảm nhận cương vị Chủ tịch nước. "Thấy thầy xuống nhà chơi, chú ấy mời vào: Thầy vào chụp chung ảnh với em".

Thầy Toàn cảm xúc: "Chú ấy gọi tôi là thầy, xưng em, tình cảm trước sau như một".

"Ngày thông báo chú ấy mất, tôi không tin, mãi sau các thầy giáo ở trường cấp III xuống báo tin thì tôi mới ngỡ ngàng, thương tiếc quá vì chú ấy còn trẻ" - thầy giáo già bùi ngùi nhớ về cậu học trò xưa.

Người có công thì mình có lòng

qtang

Người dân xúc động viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Ninh Bình - Ảnh: Minh Đức

Trong số những người dân chờ đợi cả buổi sáng trước cổng Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) để đến chiều được vào viếng Chủ tịch nước có ông Minh Đỗ, sống ở Đông Triều, Quảng Ninh.

Sáng 26-9, ông đón xe khách từ rất sớm để kịp tới Nhà tang lễ quốc gia. Ông kiên nhẫn chờ đợi, tới hơn 14h thì ông được vào tiễn biệt Chủ tịch nước. Viếng xong, ông kiếm một căn phòng trọ đơn sơ gần nhà tang lễ, đợi sáng 27-9 được tiễn biệt vị Chủ tịch một đoạn đường.

Ông Trần Đức Thắng - nguyên cán bộ của Cục Chính trị, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), từng được làm việc cùng Chủ tịch nước ở Bộ Công an khi "cả hai còn là cán bộ trinh sát" - cũng theo đoàn đến tiễn biệt.

"Chúng tôi mất đi một đồng chí, đồng đội, một người anh em đầy ân nghĩa. Trong tôi lúc này là những tình cảm bịn rịn không thể nói nên lời" - ông Thắng nghẹn ngào chia sẻ.

Đứng trước cổng Nhà tang lễ quốc gia, bà Thước ở Kim Sơn, Ninh Bình - quê hương của Chủ tịch nước - đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào kể với chị em cùng đứng đợi vào viếng Chủ tịch nước: "Nghe tin bác mất, ở quê ai cũng buồn. Trên những cung đường quê hương sẽ đón bác về, mấy hôm nay người dân đều tích cực quét dọn, làm đường thật sạch đẹp".

Dù quê hương Kim Sơn cũng tổ chức lễ viếng Chủ tịch nước nhưng bà Thước vẫn lặn lội đón xe khách từ 3h sáng để kịp lên viếng vị Chủ tịch mà mọi người dân Ninh Bình đều rất mực tự hào. Bà bảo Chủ tịch nước mỗi lần về thăm quê hương vẫn cố gắng ghé thăm thầy cô giáo cũ.

Chị Nguyễn Thị Hà (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) kể chị đã đi từ 4h sáng, 7h có mặt tại cổng nhà tang lễ và kiên nhẫn chờ đợi đến hơn 14h để được vào viếng.

Anh Nguyễn Hồng Hải (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là nhân viên lái xe buýt. Ngày 26-9, được nghỉ làm, anh đã đón hai tuyến xe buýt để đến Nhà tang lễ quốc gia, hòa vào dòng người dân từ khắp nơi đổ về viếng Chủ tịch nước.

"Ông là người có công thì mình cũng có tấm lòng" - người đàn ông với dáng vẻ chân chất chia sẻ giản dị về việc anh lặn lội một mình đi viếng Chủ tịch nước.

THIÊN ĐIỂU

Những hoạt động cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

TTO - Những hoạt động cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước khi ông từ trần lúc 10 giờ 5 phút ngày 21-9-2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

M.HOA - P.TUẦN - H.THANH - N.HIỀN - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp