Cách đây khoảng 10 năm, tham dự một số chương trình, sự kiện, tôi đã rất chú tâm đến khoảng "dress code" (yêu cầu về trang phục). Với đại tiệc, đặc biệt là lễ cưới cả đời chỉ có một, tôi càng cố gắng đáp ứng vì phần đông cô dâu chú rể không đưa những yêu cầu quá lố.
Vậy nhưng, không ít người quen của tôi ở các vùng quê, tỉnh xa vẫn chưa quen "kiểu cách" này. Bởi họ cho rằng lễ cưới hay đám hỏi mà yêu cầu màu sắc trang phục như vậy là cầu kỳ hoặc làm quá.
Quy định trang phục tiệc cưới ở vùng quê và chuyện về tủ đồ "vía"
Mỗi lần ở quê có cưới hỏi, tôi thấy ba má đều chuẩn bị quần áo để ăn tiệc trước đó vài hôm. Như ba tôi, ông có hẳn những bộ "đồ vía" dành riêng để đi đám tiệc. Những bộ đồ này ba hay cất kỹ và chỉ dành riêng đi đám tiệc.
Má tôi cũng có những bộ đầm kiểu Âu và áo dài dành riêng cho đám tiệc. Mỗi lần ai mời cưới, má mới mặc lên. Má bảo đám cưới người ta là sự kiện hệ trọng cả đời. Mình đi tham dự với ăn mặc tươm tất sạch sẽ cũng là cách mang đến niềm vui, hình ảnh đẹp cho gia chủ.
Ở quê tôi, đám cưới, có nhiều cô bác lớn tuổi còn trưng vàng cầu kỳ các kiểu. Nào lắc tay, vòng cổ sáng chói. Cô bác nào đi ăn cưới cũng làm tóc, họa mặt rất kỹ. Nó như nếp ăn nếp nghĩ, cách trân trọng lời mời của gia chủ và đáp lại những thịnh tình khi được các cặp cô dâu chú rể mời dự đám.
Thi thoảng con cái học hành, làm việc ở thành phố về quê cưới vợ, khi làm thiệp mới có in dòng chữ nhỏ xíu quy định về "dress code". Nhưng thường các cô các dì không để tâm lắm, bởi "nó toàn tiếng Tây, tiếng U ai đâu mà hiểu".
Có lần, má tôi cũng nhận được chiếc thiệp có ghi quy định như thế. Má tôi nhờ xem trên đó ghi tiếng Anh có nghĩa là gì. Nghe tôi giải thích, má bật cười "thiệt khéo bày trò". Rồi má nói chắc nịch: "Nếu quy định trang phục lịch sự thì với má hay bà con mình, khỏi cần nhắc".
Nhưng cũng có lần con của một gia đình khác mời đám cưới diễn ra với buổi tiệc bên bờ biển. Trên thiệp ghi yêu cầu trang phục là màu trắng hoặc hồng. Má nhìn tấm thiệp nói đầm trắng má bị ố màu rồi, màu hồng má lại chẳng ưa.
Không còn cách nào khác, tôi đưa má đi mua thêm đồ mới. Tính ra chi phí cũng mất đến vài bao lúa. Má có một chút tiếc tiền, nhưng cá nhân tôi thấy điều đó cũng hợp lý vì sự đầu tư này khiến má trông thanh lịch, tự tin hơn khi xuất hiện.
Tiền bỏ phong bì cưới còn lăn tăn, lại thêm cái "ngặt" mang tên "dress code"
Khủng hoảng kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã khiến tôi và nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu, những gì thật cần thiết mới dùng "lệnh chi tiền". Tuy nhiên, có một khoản gọi là tiền mừng cưới không hề nhỏ mỗi tháng khiến tôi cũng phải đắn đo. Nhất là những đám cưới của người quen hoặc bạn bè đồng nghiệp diễn ra ở những trung tâm tiệc cưới cao cấp, sang trọng.
Có lần bạn làm chung hỏi tôi bỏ phong bì bao nhiêu, vì cô ấy ướm giá bàn tiệc ở đó mỗi suất ăn không dưới 2 triệu đồng. Tôi bật cười bảo muốn đi bao nhiêu tùy lòng mình, chứ có bỏ thiệp hay không thì chủ tiệc cũng đã chi ra rồi.
Xong bạn hỏi tới phần trang phục tính như thế nào vì thấy trên thiệp ghi "Dress code: White Tie", trong khi trong tủ đồ cô ấy không có bộ váy liền sang trọng nào. Tôi vội tìm thêm vài địa chỉ có cho thuê đồ dự tiệc để cô ấy tham khảo thêm.
Lan Nhi - một người bạn của tôi - cho biết thông thường cô sẽ để một khoản tiền dành riêng cho việc bỏ phong bì cưới và một khoản nho nhỏ cho việc làm tóc, trang điểm và chuẩn bị trang phục.
Cô khẳng định tiền mừng cưới có thể nhiều hoặc ít, tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế bản thân và mối quan hệ của tình bạn. Nhưng ăn mặc chỉn chu, đúng "dress code" là điều cô luôn cố gắng đáp ứng, vì chẳng phải ngẫu nhiên gia chủ của buổi tiệc đặt ra yêu cầu về trang phục.
"Dress code hẳn phải mang ý nghĩa tích cực hay một thông điệp nào đó trong lễ cưới, hoặc phù hợp với concept để khi quay hình, chụp ảnh tạo được nhiều dấu ấn, khoảnh khắc đẹp. Mình mặc sai dress code có thể chẳng ai nhắc nhở hay làm khó, nhưng chắc chắn sẽ là dị biệt, lạc lõng", cô nói.
Việc yêu cầu về màu sắc trang phục khi dự lễ cưới cũng không hẳn là vấn đề nghiêm trọng. Miễn yêu cầu đó đừng quá xa lạ hoặc vô lý, làm khó người mặc. Chẳng hạn, cô dâu chú rể có thể đưa ra những yêu cầu trang phục thanh lịch và màu sắc đơn giản, phổ biến như: trắng, đen, đỏ, xanh, xám… Hạn chế tối đa việc yêu cầu các màu sắc chói lóa như hồng, xanh đọt chuối, cam, tím rịm trong quy cách về màu sắc trang phục.
Thông thường, để gỡ khó cho người mặc, các cô dâu chú rể thường chỉ ghi yêu cầu trang phục lịch sự, họa tiết bông hoa (có thể có hoặc không), màu sắc thường không giới hạn một màu mà có thể gợi ý: trắng - xanh, vàng - be, đen - đỏ… để người dự tiệc có thêm nhiều sự lựa chọn.
Bạn nghĩ sao về việc cô dâu chú rể đưa ra yêu cầu về màu sắc trang phục cho khách dự lễ cưới? Theo bạn như vậy là bình thường, cầu kỳ, hay làm quá? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận