Công trình kiến trúc "ngòi bút chiến đấu" của cụ Đồ Chiểu tại vòng xoay An Hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre vừa khánh thành đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau ở địa phương và nhiều bình luận trên mạng xã hội.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của kiến trúc sư Phạm Kiều Anh.
Khô cứng và chói chang!
Từ góc nhìn chuyên môn, đây là một công trình trang trí cảnh quan đặt ở nút giao thông trung tâm đô thị nên phải đáp ứng được yêu cầu cao về ý nghĩa xã hội, an toàn giao thông và tính thẩm mỹ.
Tất nhiên, nhận xét đầu tiên, cảm tính nhất sẽ là về vẻ đẹp bên ngoài của công trình.
Chúng ta chủ yếu chỉ nhìn những công trình kiến trúc đặc thù như thế này khi lưu thông qua đó, hoặc ngắm từ các tòa nhà lân cận nên tính thẩm mỹ của công trình đến từ hình khối, màu sắc và sự hài hòa của công trình với cảnh quan xung quanh.
Theo tôi, phần thân công trình ban ngày khá đẹp với màu sơn nhã nhặn, dáng vẻ sinh động, tuy còn một vài chi tiết rườm rà.
Tiếc là bao quanh gồm phần nền lát gạch men và kiểu dáng các bồn cây lại quá khô cứng.
Nhiều người khen vẻ rực rỡ đầy màu sắc của công trình vào buổi tối, nhưng cảm nhận của tôi lại không tốt lắm. Ánh sáng từ hệ thống đèn neon và led dây bao bên ngoài công trình chiếu trực tiếp vào mắt người quan sát nên khá chói.
Trong trường hợp này, thiết kế chiếu sáng gián tiếp với giải pháp sử dụng hộp đèn kết hợp với hắt sáng bề mặt sẽ đem lại hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn nhiều.
Ánh sáng ở vòng xoay cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an toàn giao thông, nhưng rất ít kiến trúc sư nghiên cứu và tính toán độ rọi, độ chói khi thiết kế.
Hiện nay, có lẽ do ý muốn nổi trội để thu hút sự chú ý nên người ta bố trí đèn led ngang tầm nhìn với cường độ sáng lớn ở khắp nơi, gây chói lóa mờ cho người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm thị lực cư dân đô thị về lâu dài.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13608:2023 chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình công cộng quy định đèn ở khu vực nút giao thông phải không gây chói lóa, đảm bảo cho người lái xe có tầm nhìn xa tốt từ 200 - 300m.
Các kiến trúc sư và cơ quan thẩm định nên lưu tâm đến việc chọn và tuân thủ tiêu chuẩn trong quá trình thiết kế, phê duyệt.
Tiếc "bùng binh Chim bồ câu"
Mặt khác, vì hướng đến mục đích giới thiệu văn hóa địa phương nên ý nghĩa của thông điệp mà công trình chuyển tải rất quan trọng.
Biểu tượng "Con thuyền chở đạo" và "Ngòi bút chiến đấu" thể hiện tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh của người dân Bến Tre đều là ý tưởng hay, nhưng rất khó để kết hợp cả hai vào trong một thiết kế đẹp và có ngôn ngữ nghệ thuật cô đọng.
Nếu nhà thiết kế chỉ chọn một hình ảnh trọng tâm, đừng ôm đồm quá nhiều thì công trình hẳn sẽ có thể đẹp hơn, thuyết phục hơn.
Rất đáng tiếc là tác giả đã chọn phương án kết hợp thân bút cong vào cánh buồm nên đã không làm nổi bật được hình ảnh của cây bút và thất bại trong việc thể hiện tính cương trực, lòng dũng cảm chứa đựng trong hai câu thơ nổi tiếng của cụ Đồ Chiểu:
"Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"
Tất nhiên, tìm ý và xây dựng phương án ban đầu là công việc không đơn giản.
Lẽ ra chủ đầu tư cần tổ chức một cuộc thi kiến trúc theo đúng quy định tại điều 17 Luật Kiến trúc 2019 đối với "công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch".
Và mấy chục năm nay người dân thành phố Bến Tre ai cũng gọi vòng xoay An Hội với cái tên thân thương là "bùng binh Chim bồ câu". Việc tháo gỡ tượng đài cũ ở đây đã khiến nhiều người tiếc nuối.
Hy vọng sau này trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, chúng ta có thể ưu tiên các giải pháp bảo tồn, tôn tạo những công trình văn hóa tuy chưa cổ nhưng đã gắn bó với ký ức đô thị của cộng đồng.
Chỉ có như vậy mới tạo nên nét duyên riêng cho từng thành phố, đồng thời gìn giữ được sợi dây gắn kết của mỗi người con với quê hương mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận