05/12/2019 08:53 GMT+7

Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - Chủ trương tích tụ đất đai của Chính phủ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ đem đến đột phá trong nông nghiệp, có thể hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa kết hợp với một chính sách chuyển đổi sinh kế phù hợp cho nông dân.

Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Ở ĐBSCL, các thống kê cho thấy mỗi hộ dân chỉ sở hữu chưa tới 1ha đất, rất khó cho việc sản xuất quy mô lớn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi thẳng thắn với tiến sĩ Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp - xung quanh dự thảo nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp này. Ông Sơn cho rằng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp đang vừa thiếu, vừa thừa. Trong khi diện tích đất đai nông dân nắm giữ rất nhỏ, được chia thành nhiều mảnh, thửa manh mún thì có hàng triệu hecta đất đang sử dụng không hiệu quả như quỹ đất 5% giao cho địa phương quản lý, khoảng 1,8 triệu hecta đất nông lâm trường thiếu hiệu quả đang phải sắp xếp lại. Cụ thể, có tới 190.000ha đất nông lâm trường đang bị lấn chiếm, khoảng 900ha không thu được tiền sử dụng đất.

Manh mún không thể cơ giới hóa

* Thưa ông, tình trạng manh mún đất đai tác động thế nào đến sản xuất nông nghiệp thời gian qua?

- Sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất quá nhỏ không thể có lãi nên thời gian qua nhiều nông dân đã bỏ hoang đất đai để ra thành phố kiếm việc làm với thu nhập cao hơn. Ngay cả những vùng đất đai được coi là bờ xôi ruộng mật như Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), nhiều nơi nông dân không thiết tha với việc đưa đất vào sản xuất, vì một hộ nông dân chỉ được chia vài sào ruộng, khoảng mấy trăm mét vuông thì sản xuất thâm canh đến mấy cũng không đủ nuôi gia đình. Tại ĐBSH có những vùng 70-80% thu nhập của người nông dân dựa vào việc di cư ra thành phố tìm kiếm việc làm, nên phần lớn đất nông nghiệp được cho thuê, mượn, hoặc giao cho các hộ gia đình khác làm để giữ đất. Hệ số quay vòng sử dụng đất tại ĐBSH thời gian qua giảm mạnh, nhiều nơi đất bỏ hoang hóa.

Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ không thể áp dụng cơ giới hóa, mỗi hộ sản xuất một giống khác nhau, thời vụ khác nhau nên không thể chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, không vươn ra thị trường được. Mặt khác, tổ chức tín dụng muốn tiếp cận nông dân để hỗ trợ vốn vay sản xuất nông nghiệp cũng phải tìm hàng chục hộ mới cho vay được một khoản, rủi ro một vài hộ nông dân làm sai hợp đồng là cả tập thể chịu thiệt. Sự manh mún trong sản xuất của nông dân cũng làm nản lòng cả doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón đầu vào và doanh nghiệp đầu ra của ngành nông nghiệp.

Có thể thấy đất đai manh mún không chỉ gây khó cho nông dân mà còn khó cho Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất. Kết quả là không hình thành được các vùng chuyên canh, không tạo được chuỗi giá trị và không có sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

* Vậy chủ trương tập trung, tích tụ đất đai sẽ tạo bứt phá thế nào cho ngành nông nghiệp thời gian tới?

- Nghị định này tạo được bứt phá hay không vẫn phải đợi, chưa thể nói ngay được vì thời gian qua chúng ta đã đưa ra khá nhiều chính sách cải cách đất đai, Luật đất đai được sửa đổi nhiều lần nhưng đến nay chưa tạo được bứt phá, câu chuyện đất đai vẫn cản trở sản xuất.

Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, đất đai từ sở hữu hợp tác xã, nông lâm trường chuyển sang sở hữu của nông dân đã tạo đột phá to lớn, bùng nổ phát triển nông nghiệp. Việt Nam chuyển từ nước đang phải nhập khẩu khoảng nửa triệu tấn lương thực/năm thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Từ năm 1989 đến nay, Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cao về gạo, tiêu, điều, cà phê. Thành tựu này có được nhờ chính sách quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, nhưng sau khoảng 15 năm đầu đổi mới thì các chính sách đất đai không theo kịp nhu cầu cuộc sống nên có những bất cập, vướng mắc.

Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá - Ảnh 2.

Trước đây nông dân chiếm khoảng 80% dân số, giờ giảm xuống còn khoảng 65%. Lao động nông thôn hiện chiếm khoảng 46% tổng số lao động. Trong tương lai khi công nghiệp hóa, lao động nông nghiệp còn khoảng 2-3%, cư dân nông thôn rút xuống dưới 10%, và 90% trở thành cư dân đô thị.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Hình thành thị trường đất đai

* Ông có thể phân tích cụ thể hơn các vướng mắc trong chính sách đất đai hiện nay?

- Lâu nay chính sách đất đai vướng một loạt vấn đề như giới hạn về thời gian, không gian sử dụng đất. Chẳng hạn quy định về hạn điền, thời gian giao đất tối đa 50-70 năm, rồi vấn đề có giao đất cho người không sản xuất nông nghiệp, giao đất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề giá đất, Nhà nước định giá đất nông nghiệp định kỳ hằng năm hay để người dân mua bán theo cung cầu thị trường.

Cuối cùng là thủ tục mua bán đất, nếu đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân, là hàng hóa trên thị trường thì chỉ cần người mua, người bán, người cho thuê, người thuê trao đổi giao dịch với nhau là đủ. Nhưng theo dự thảo nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước vẫn đứng ra thu hồi của người bán, giao lại cho người mua, thủ tục rất phức tạp, như vậy không hoàn toàn là thị trường.

Nếu đất đai đã là hàng hóa thì cơ quan trung gian giải quyết các mâu thuẫn trong mua bán chuyển nhượng sẽ không thể là chính quyền địa phương. Muốn có thị trường đất đai cần thành lập ngân hàng đất đai, nông dân có đất đến đó cho thuê đất; doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thuê đất cũng đến ngân hàng đất đai để thuê, đúng đối tượng được thuê nhiều đất, không đúng đối tượng cho thuê ít. Mọi tranh chấp liên quan cần đưa ra tòa án để phân xử.

Mặt khác, khi đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân được lưu thông trên thị trường thì không nên giới hạn về không gian, thời gian, cách thức mua bán theo thị trường. Có thể có sự can thiệp của Nhà nước ở mức tối giản, theo hướng thủ tục thực hiện phải minh bạch, chi phí thực hiện thủ tục phải bằng 0 hoặc gần như bằng 0, thủ tục thực hiện nhanh chóng, thuận mua vừa bán, giá cả theo cung cầu thị trường. Theo dự thảo nghị định thì nhà đầu tư sau khi thuê, mua đất nông nghiệp của nông dân phải mang chính miếng đất đó đến các cơ quan nhà nước để đăng ký lại như hình thức cho thuê vì họ không được phép mua phần vượt quá hạn điền.

Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá - Ảnh 4.

Cần bảo vệ nông dân

* Nhưng dự thảo lại hạn chế việc một cá nhân, tổ chức sở hữu quá nhiều đất đai, điều này có mâu thuẫn không?

- Sẽ không mâu thuẫn nếu nhìn vào đối tượng sở hữu đất đai. Nếu người thiết tha muốn có đất cho sản xuất nông nghiệp, có khả năng quản lý thì nên để cho họ tích tụ càng nhiều đất đai càng tốt, còn để đầu cơ thì không nên. Vấn đề là khuyến khích ai tích tụ đất đai, chính sách đất đai cần quy định đúng đối tượng được phép tích tụ. Đất nông nghiệp trước hết tích tụ để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, qua đó sẽ tăng thu nhập cho người nông dân. Giới hạn tích tụ đất đưa ra là để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng, đối với nông dân địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại cần khuyến khích họ mua lại quyền sử dụng đất từ các hộ nông dân khác, còn với doanh nghiệp nên khuyến khích họ thuê lại đất của nông dân vì chi phí mua đất quy mô lớn sẽ rất cao. Hình thức này đang khá phổ biến trên thế giới, quyền sử dụng đất là tài sản, nông dân có tài sản không dùng thì hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê lại.

* Trong quá trình tập trung, tích tụ đất đai cần làm gì để bảo vệ nông dân khi họ không còn đất?

- Điều quan trọng nhất khi đất đai rời khỏi tay người nông dân là quá trình chuyển đổi phải diễn ra thuận lợi, dân nông thôn phải trở thành dân đô thị. Chúng ta quy hoạch nông thôn mới vẫn là nông thôn, trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc họ đã quy hoạch nông thôn thành đô thị và họ định hướng quy hoạch ngay từ đầu. Các nước Âu, Mỹ cũng làm vậy, các nhà máy sản xuất không chỉ tập trung quanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà sẽ được chuyển dần về các tỉnh. Như vậy quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra trên diện rộng của cả nước. Muốn làm vậy phải định hướng đô thị hóa nông thôn ngay từ bây giờ để hạn chế luồng di dân nông thôn ra thành thị. Phải có giải pháp để rút lao động ra khỏi nông nghiệp, tách lao động ra khỏi đất đai khi chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp.

Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá - Ảnh 5.

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có khoảng 70% diện tích (tổng diện tích của hợp tác xã khoảng 570ha) đã được áp dụng máy cấy - Ảnh: NGỌC TÀI

5 phương thức cho tích tụ đất đai 5 phương thức cho tích tụ đất đai

TTO - Bà Hoàng Thị Vân Anh - vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường - công bố 5 phương thức trong dự thảo nghị định mới giúp tích tụ đất đai.

BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp