Phóng to |
Anh Trần Vũ Linh đang khoan lỗ đưa chất xúc tác tạo trầm vào những cây dó sáu tuổi ở vườn nhà |
Đến thăm vườn dó của anh Nguyễn Quốc Trinh (thôn 5, Tiên Mỹ), không ai không choáng ngợp trước sự giàu có về dó trầm của anh khi gần cả ngàn cây dó cao tốt như một rừng cây đang ở độ có thể xử lý tạo trầm được. Dẫu biết dó là loại cây nhanh lớn, nhưng thật khó ngờ những cây dó được trồng đại trà, không chăm bón thảy đều cao đến 10m, chu vi ở gốc lên đến 70-80cm lại chỉ mới trải tám tuổi đời!
Tiên Phước được xem là “nôi dó trồng” đầu tiên không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước bởi người dân ở huyện trung du này đã khởi xướng việc trồng dó - loại cây vốn mọc hoang ở rừng - ở vườn nhà vào những năm 1995-1996, ngay sau thời điểm chúng được ghi vào “sách đỏ thực vật VN”.
Và anh Trinh được xem là người mở đầu cho việc làm này khi năm 1984 anh lên rừng tìm nhổ ba cây dó bầu - loại dó có năng lực tạo trầm cao nhất - về trồng ở vườn nhà mình, vì theo anh “con người có thể can thiệp vào cơ chế tạo trầm cho cây dó, và khi đã làm được như vậy thì quả là không có loại cây gì cho người trồng khoản thu nhập siêu hạng như cây dó, nó lại đang trong nguy cơ tuyệt chủng, cần phải giữ giống lại để mai này nhân ra...”.
Phóng to |
Dó bầu con |
Cái lợi thêm vào, trong số dó tám năm tuổi của anh vài năm nay đã có một ít cây ra trái, lượng hạt thu được tuy còn rất ít nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc ươm bán cây con sắp tới khi mà người trồng dó trên cả nước có nhu cầu ngày càng cao.
Hỏi tại sao cây dó đã đạt độ lớn tương thích cho việc xử lý tạo trầm nhưng chúng vẫn được tiếp tục nuôi lớn, anh Trinh cho biết: “Tôi nghĩ cây dó lớn tuổi khi xử lý sẽ cho trầm nhiều hơn, chất lượng trầm cũng sẽ tốt hơn. Đã có công trồng loại cây quí này mình nên bền lòng chờ đợi một kết quả tốt hơn ở nó, nếu vội “ăn non” thì uổng quá. Với cây quế, thu nhập thấp hơn nhiều so với cây dó vậy mà mình còn phải nuôi nó đến 15-20 năm kia mà...”.
Theo anh, số dó ở vườn của anh nếu bán cho các lái trầm trong vùng mua xử lý tạo trầm ở thời điểm này giá mỗi cây ít nhất cũng đến vài triệu. Dù biết có phương pháp tạo trầm bằng cách khoan lỗ đưa chất xúc tác vào, nhưng anh đang thử nghiệm cách tạo trầm gần với cách kết tụ trầm theo cơ chế tự nhiên của cây bằng cách “chêm” (chặt) vào thân cây một số vết chêm và hy vọng sẽ đạt kết quả trong việc tạo nên những phiến trầm loại tốt.
Tiếp tục nuôi cây dó lớn hơn nữa, anh dự tính sẽ xử lý tạo trầm cho phân nửa lượng dó trong vườn vào năm tới. Và cũng không vội thu hoạch (đốn cây) sau hai năm xử lý (như các lái trầm địa phương làm), anh sẽ nuôi cây sau xử lý chừng 6-7 năm để thu được trầm loại cao hơn.
Thông tin cần cảnh báo người mua dó con Khoảng vài ba năm lại đây do thấy cây dó bầu con có giá, một số chủ ươm dó con bán đã mua hạt dó me - vốn không có khả năng kết trầm, được trồng nhiều để bán làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy - để tráo bán cho người trồng nhằm kiếm lãi cao. 1kg hạt dó bầu giá 7-8 triệu đồng, trong khi 1kg hạt dó me chỉ 500.000đ. Một số chủ ươm còn lừa bán cả hạt dó me cho người trồng dó (để họ tự ươm trồng). Dó me có thân mầm to, cứng, chậm đâm nhánh, da màu sẫm, lá dài. Dó bầu có thân mầm mềm, da màu trắng, thế đứng hơi nghiêng, nhanh đâm nhánh, lá to, mỏng hơn dó me. |
Qua kinh nghiệm có được tại địa phương, khi khai thác (chặt cây) lần đầu, gốc dó sẽ đâm chồi tái sinh và những mầm chồi này sẽ lớn thành cây rất nhanh; khi thu hoạch lần hai sẽ đào gốc để vừa tận thu trầm (bởi đây là bộ phận tích tụ trầm khá cao) vừa giải phóng đất, trồng lại trà dó mới...
Một tỉ phú trầm khác, anh Trần Vũ Linh - cũng ở thôn 5, xã Tiên Mỹ - tuy vào cuộc “dó trầm” muộn nhưng lại là người mở đầu cho việc trồng dó thâm canh. Là chủ một vườn quế có tiếng trong vùng với việc ươm bán quế giống, năm 1997, sau khi sắp xếp lại vườn tược, anh Linh ươm trồng 1.000 cây dó.
Thổ nhưỡng thích hợp, lại được chăm bón kỹ ở những năm đầu, đến nay 1.000 cây dó sáu tuổi của anh hầu hết đã cao hơn 8m, chu vi ở gốc đạt 60-70cm, một số cây lên đến 80cm. Nhanh lớn nên nhanh ra hoa kết trái, hai năm nay một số cây dó lớn đã ra trái bói, cho mỗi năm hơn 1kg hạt để ươm bán cây con (mỗi kilôgam hạt được chừng 7.000 cây con).
Sẵn có công thức xử lý tạo trầm do mình mò mẫm tìm ra, mới đây anh đã xử lý khoảng 300 cây để việc kinh doanh trầm hương nơi vườn nhà sớm đạt kết quả. Lại cũng không khoan lỗ xử lý trên thân cây quá nhặt và cũng không vội thu hoạch sau hai năm xử lý (thường cho ra trầm loại 5-6), anh cho các lỗ khoan xử lý nằm cách nhau khá thưa, dự tính thu hoạch sau xử lý năm năm với hi vọng lượng trầm thu được sẽ vừa tăng số lượng và chất lượng.
“Với khoảng 2.500 cây dó - kể luôn khoảng 1.500 cây được trồng thêm hồi năm 1999, 2000, tôi sẽ luân phiên, thu hoạch khu này thì xử lý khu kia, hết nuôi cây tái sinh thì đào gốc trồng lại đợt mới” - anh Linh nói và cho biết thêm đã lên kế hoạch lập doanh nghiệp trầm hương khép kín từ việc cung ứng cây con cũng như thu mua cây lớn (để xử lý tạo trầm) hay nhận xử lý thuê và cuối cùng là thu mua, chế biến, xuất khẩu trầm hương.
Theo anh Linh, việc mở đầu cho một công cuộc kinh doanh loại lâm sản thượng thặng này được chuẩn bị từ bây giờ nơi vùng đất phát sinh ra việc nuôi trồng dó trầm này là rất phù hợp. Đã có nhiều đối tác người Nhật, Đài Loan, Hong Kong đến Tiên Phước tham quan tìm hiểu tiềm năng dó trầm ở địa phương Quảng Nam để có hướng kinh doanh.
Đây chính là những tín hiệu tốt cho việc mua bán - xuất khẩu trầm hương từ những mùa trầm nơi vườn nhà đang hứa hẹn trong dăm ba năm tới. Và có lẽ ngay từ bây giờ, danh vị tỉ phú trầm - như một số người địa phương “phong” cho những người theo đuổi dó trầm như Nguyễn Quốc Trinh, Trần Vũ Linh là không quá đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận