Ảnh minh họa
Theo báo cáo vừa mới công bố của của Hiệp hội Xã hội hóa Internet (Internet Society OC - ISOC) và Google, tính tới tháng 6-2018, hơn 25% Internet toàn cầu đã được kết nối IPv6, trong đó có 24 quốc gia đạt lưu lượng IPv6 trên 15% và 49 quốc gia có lưu lượng IPv6 trên 5%.
Còn theo thống kê của Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỉ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu tính tới thời điểm hiện tại khoảng 17,75%. Riêng tại Ấn Độ đã có hơn 270 triệu người được kết nối IPv6, chiếm gần nửa số lượng người sử dụng IPv6 trên thế giới.
Những quốc gia dẫn đầu về triển khai IPv6 trên thế giới hiện nay gồm: Bỉ (58,50%), Ấn Độ (56,02%), Mỹ (44,57%), Đức (38,54%), Nhật Bản (27,05%)… Việt Nam đứng thứ 25 trong số các quốc gia có tỉ lệ ứng dụng IPv6 cao trên thế giới với 14,43%, đứng vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 4 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia).
Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đã tích cực triển khai IPv6 cho mạng lưới di động 4G/4G LTE, khiến tỉ lệ triển khai IPv6 tại Việt Nam tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây và đưa Việt Nam vào top quốc gia có tốc độ triển khai tăng trưởng cao nhất thế giới.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng thêm khoảng 6,54%. Với hơn 7 triệu người sử dụng IPv6, số lượng người sử dụng IPv6 tại Việt Nam hiện tại chiếm 1% tổng số người sử dụng IPv6 toàn cầu.
Nếu như ở Nhật có “kẻ đi đầu” KDDI (42%), ở Ấn Độ có Reliance JIO (87%), ở Mỹ có T-Mobile USA (93%) thì ở Việt Nam, FPT Telecom và Tập đoàn VNPT là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong việc triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới với tỉ lệ ứng dụng IPv6 lần lượt là 31,7% và 21,12% (theo số liệu từ APNIC). Gần đây, Tập đoàn Viettel cũng đang triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.
IPv6 (Internet Protocol Version 6) là phiên bản địa chỉ Internet mới, được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4 với hai mục đích cơ bản: khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4 và thay thế cho nguồn địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt để phát triển hạ tầng thông tin và Internet bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận