Hội đồng xét xử phúc thẩm đang tuyên án một bị cáo |
Làm thế nào để đảm bảo quyền được bào chữa, quyền được có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền lợi cá nhân trong quá trình tố tụng tư pháp trên địa bàn TP.HCM là những nội dung mà các chuyên gia, luật sư đã nêu lên trong hội thảo liên quan vấn đề trên diễn ra ngày 8-10.
Theo đó, nhiều luật sư cho rằng việc được tiếp cận bị can, bị cáo nhiều khi rất khó khăn từ phía cơ quan điều tra khiến quyền lợi của bị can, bị cáo không được bảo đảm.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng đối tượng được cử người bào chữa theo quy định của pháp luật hiện nay tương đối hẹp, trong khi lực lượng luật sư đã phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời điểm ban hành Bộ luật hình sự năm 1999.
Theo đại diện Viện KSND TP.HCM, nên mở rộng đối tượng được cử người bào chữa bắt buộc đối với những bị can, bị cáo bị khởi tố ở khung hình phạt lên tới mức chung thân.
Cũng theo Viện KSND TP, nhận thức của người cần bào chữa còn hạn chế về quyền của mình, thậm chí khi bị bắt, bị khởi tố được giải thích có quyền nhờ người bào chữa, nhưng lại không được giải thích là ai có quyền bào chữa cho mình.
Đồng thời những người bị tạm giam, tạm giữ đã bị hạn chế một số quyền nên không thể tự do tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không thể tự do quyết định được việc mình có mời luật sư hay không bởi họ không thể kiểm tra, trao đổi về trình độ, năng lực của luật sư.
Ngoài ra, không loại trừ trường hợp họ không dám đưa ra yêu cầu mời luật sư bào chữa.
Liên quan vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu thực tế hiện nay sau xét xử sơ thẩm, nhiều gia đình bị cáo đến năn nỉ luật sư làm sao để gặp được người thân của họ trong trại tạm giam để thuyết phục bị cáo làm đơn kháng cáo.
“Nhưng thật ra chúng tôi vô phương” - luật sư Quynh nói.
Cho rằng pháp luật còn nhiều hạn chế dẫn đến việc bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng không thể bảo đảm được quyền của mình khi tham gia tố tụng, bà Dương Thị Thanh Mai, chuyên viên cao cấp của Viện Khoa học pháp lý, nói thực tế vấn đề đảm bảo quyền của người tham gia tố tụng còn khoảng cách rất xa với năng lực của các chuyên gia, luật sư và những cơ quan, tổ chức xã hội, tỉ lệ án có luật sư bào chữa còn thấp.
Bởi vậy thông qua những chuyến khảo sát như thế này để có những kiến nghị phù hợp cả về luật và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhằm đảm bảo quyền của những người tham gia tố tụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận