26/11/2023 15:10 GMT+7

Tỉ giá giảm nhanh, giới đầu cơ USD giảm găm giữ?

Sau khoảng một tháng, tỉ giá USD/VND đang căng bỗng hạ nhiệt. Mức độ giảm được giới chuyên gia nhận xét diễn ra khá nhanh.

Giá USD ở các ngân hàng thương mại liên tục đi xuống - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giá USD ở các ngân hàng thương mại liên tục đi xuống - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cuối tuần (25-11), tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD được Ngân hàng Nhà nước niêm công bố ở mức 23.927 đồng. Như vậy sau một tháng, tỉ giá trung tâm đã giảm 160 đồng.

Nếu so với mức đỉnh đã thiết lập hồi tháng 10 vùng 24.110 đồng, tỉ giá đã giảm gần 0,8% và so với đầu năm chỉ còn tăng 1,4%.

Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng liên tục đi xuống. Vietcombank đang niêm yết giá USD mua vào 24.050 đồng/USD, bán ra 24.420 đồng/USD. Còn BIDV niêm yết giá USD mua vào 24.120 đồng/USD, bán ra 24.420 đồng/USD.

Hầu hết các ngân hàng đều niêm yết giá mua vào bán ra USD giảm khoảng 300 đồng sau một tháng. Còn so với giá mua và bán USD cao điểm hôm 19-10 khi vọt lên gần 24.800 đồng, mức giảm khoảng 380 đồng.

Vì sao tỉ giá giảm nhanh?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - giám đốc điều hành Economica Vietnam, nhận xét tỉ giá hạ nhiệt, tâm lý đầu cơ găm giữ USD cũng giảm theo.

Về lý do tỉ giá giảm nhanh, ông Bình cho biết kết hợp cả ba yếu tố từ thế giới, trong nước và chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường quốc tế, giá USD tiếp đà đi xuống. Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - kết tuần qua ở mức 103,42 điểm, giảm mạnh từ mốc 107,02 hồi đầu tháng 10.

"Giá USD giảm xuống sau khi Fed phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất cuộc họp tháng 11. Cộng thêm nhiều yếu tố nội tại tích cực như xuất siêu lớn, FDI giải ngân tốt, kiều hối gia tăng, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập… đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ, hạ nhiệt tỉ giá trong nước", ông Bình nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng vai trò chính sách điều hành tỉ giá rất quan trọng bên cạnh yếu tố thuận lợi từ trong và ngoài nước. "Việc điều hành thời gian qua đã tính đến yếu tố giảm kỳ vọng trong việc đầu cơ găm giữ USD", ông Bình nhận xét.

Để đối phó với áp lực tỉ giá tăng cao khi đồng USD lên cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở hồi tháng 9.

Công cụ chính sách tiền tệ này được thực hiện nhằm điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn. Mục đích làm cân bằng hơn lượng ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam, thiết lập điểm cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá.

"Động thái này cũng rất quan trọng trong việc tạo ra thông điệp Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để ổn định tỉ giá. Qua đó điều hướng người dân, doanh nghiệp tin tưởng hơn vào giá trị tiền đồng, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ USD", ông Bình nhận xét.

Ông Bình cũng cho biết thời điểm Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền bằng tín phiếu nhưng tỉ giá vẫn nóng. Tuy nhiên, các động thái này vẫn có tác dụng nhất định và sẽ phát huy tác dụng hơn khi kết hợp cùng các yếu tố hỗ trợ từ trong và ngoài nước.

"Đến thời điểm này, có thể thấy tỉ giá hạ rất nhanh. Điều này cho thấy thị trường tiền tệ Việt Nam linh hoạt hơn rất nhiều. Trước đây có tâm lý "chỉ lên thôi, khó xuống". Quan niệm này đã thay đổi và góp phần rất lớn vào việc giảm lý đầu cơ", ông Bình nói.

Tỉ giá giảm, dòng tiền sẽ chuyển hướng tìm kênh đầu tư khác thay vì "ôm" USD

Việc Ngân hàng Nhà nước dùng phát hành thêm tín phiếu từ ngày 9-11 đã củng cố thêm dấu hiệu tỉ giá bớt căng thẳng. Tâm lý găm giữ đầu cơ trong dân, doanh nghiệp giảm bớt. Trong khi dòng tiền luôn luôn vận động, các kênh đầu tư khác sẽ được tính đến.

Ông Trần Hoàng Sơn - giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank - cho biết khi tỉ giá bớt áp lực, cùng với mức lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ sớm đón dòng tiền lớn.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rất mạnh từ tháng 7 đến nay, góp phần khiến VN-Index giảm điểm. "Đồng USD suy yếu, tỉ giá trong nước ổn định, dòng vốn nước ngoài có thể trở lại", ông Sơn nhận định.

Cũng theo chuyên gia, việc dừng hút tín phiếu cũng không đồng nghĩa thị trường sẽ có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên đây là một tín hiệu quan trọng xác nhận rủi ro mà thị trường lo sợ về "đảo chiều chính sách tiền tệ" các tháng trước đã kết thúc.

Ông Lê Duy Bình nói thêm, ngoài chứng khoán, các kênh đầu tư như trái phiếu, bất động sản sẽ được tìm đến thay thế cho việc găm giữ USD. "Nhiều người ôm ngoại tệ sẽ phải bán USD để chuyển sang tiền đồng và các kênh đầu tư khác khi động lực găm giữ không còn", ông Bình nói.

Tỉ giá có đáng lo?Tỉ giá có đáng lo?

TTCT - Từ giữa tháng 8 năm nay, cùng giá xăng dầu, câu chuyện tỉ giá nóng trở lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp