Thuyền trưởng Nguyễn Thế Duyệt trong một ca trực - Ảnh: MY LĂNG
Duyệt 30 tuổi. Gần bảy năm trước, tốt nghiệp Học viện Hải quân (khoa cảnh sát biển), Nguyễn Thế Duyệt đã được phong hàm trung úy. Anh về Vùng cảnh sát biển 1 (nay là Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1) công tác với cương vị thuyền phó tàu cảnh sát biển 2008 (CSB 2008).
“Sóng gió không ghê gớm, đáng sợ bằng việc phải đi tìm đồng đội. Cảm giác đó xót và đau lòng lắm
Thuyền trưởng NGUYỄN THẾ DUYỆT
"Mình vừa ra trường là đi biển luôn. Tối hôm nay nhận nhiệm vụ xuống tàu thì sáng mai đi biển" - đại úy Nguyễn Thế Duyệt kể.
Chuyến đi "thử lửa"
Chuyến đi biển công tác đầu tiên kéo dài 45 ngày là kỷ niệm không thể nào quên của trung úy Nguyễn Thế Duyệt, khi đó ở trong tổ tuần tra kiểm tra, kiểm soát các tàu vận tải trên biển ở khu vực Bạch Long Vĩ đến đảo Cô Tô. Vừa sau cơn bão, tàu CSB 2008 nhận lệnh đi cứu một tàu cá ngư dân bị hỏng chân vịt, trôi dạt trên biển.
Lúc đó khoảng 5h chiều, đang trực sẵn sàng chiến đấu ở đảo Hòn La (Quảng Bình), tàu nhận lệnh ra phía đông bắc vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), cách Hòn La 60-70km. Trên đường đi, những cột sóng cao 3-4m đánh trùm lên cả cabin buồng lái.
Đi được nửa chặng đường thì hỏng cả máy lái vì bị nước mặn thấm vào. Hệ thống lái bằng điện do nước mặn vào nên bị chập, kíp lái phải chuyển sang điều khiển tàu bằng máy cơ (bằng tay). Lúc đó hệ thống thông thoại bị hỏng vì nước biển đánh vào.
Kíp lái phải điều khiển tàu với... khẩu lệnh truyền miệng bằng cách dàn hàng, mỗi người cách nhau 3m đứng từ trên cabin xuống khoang lái phụ ở phía dưới. Khẩu lệnh trên đài chỉ huy phát ra, anh em từng người nối nhau truyền khẩu lệnh xuống khoang lái phụ phía dưới.
Nhiều người say nhưng không nghỉ. Ai cũng phải cố gắng, đến 22h tàu quay về đến cảng. Suốt đêm, toàn bộ anh em tập trung sửa chữa máy lái, thông thoại. Đến 5h30 sáng hôm sau mới khắc phục được.
Tàu phải quay ra biển ngay đi tìm tàu cá bị nạn. Lúc đó mùa gió đông bắc. Tàu cá đã bị trôi dạt về phía đông của biển Vũng Áng. Bốn tiếng sau, tàu CSB 2008 đã tìm thấy tàu cá bị nạn và kéo về cảng Hòn La.
Tìm kiếm mảnh vỡ Casa-212
Đại úy Nguyễn Thế Duyệt bảo nhiệm vụ đặc biệt nhất mà tàu CSB 2008 tham gia là lần đi tìm mảnh vỡ máy bay Casa-212 bị rơi tháng 6-2016.
Tàu CSB 2008 là tàu đầu tiên tiếp cận vị trí máy bay Casa-212 rơi và vớt được những mảnh vỡ đầu tiên. Một tàu hàng nước ngoài đang hành trình đi ngang qua khu vực Bạch Long Vĩ báo về Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết đã phát hiện các vật thể lạ trên mặt biển.
"Mình nghi đó là mảnh vỡ của Casa-212. Khi chúng tôi ra, tàu hàng vẫn neo đó đợi để chỉ vị trí. Nhưng biển mênh mông, chỉ cần vài phút là gió, sóng đã đẩy những vật thể đó trôi dạt mất, tìm rất khó. Khi tàu đến nơi, anh em nhìn mặt biển không thấy gì. Mình cho hạ xuồng ngay. Xuồng đi một hướng, tàu đi một hướng, chia nhau ra tìm" - anh Duyệt kể.
Hơn một tiếng sau mới phát hiện những mảnh đầu tiên: lốp và hệ trục, thân vỏ... Mỗi nơi một thứ chứ không phải tập trung một chỗ.
Vừa mới thấy đó, nhưng chỉ 2-3 phút sau tất cả đã trôi xa mấy trăm mét. Trục vớt trên biển không đơn giản như trong bờ cúi xuống nhặt một món đồ rơi trên đường.
Mảnh vỡ rất to và nặng, phải dùng cẩu đưa lên. Đến 19h, tàu vớt được một số mảnh vỡ đầu tiên của máy bay Casa-212.
"Nhìn vậy, đoàn nghĩ mọi người đã hi sinh rồi. Khi nhận lệnh ra ngoài đó, tàu vẫn hi vọng những vật thể lạ đó không phải là mảnh vỡ của máy bay Casa-212. Ra đến nơi, toàn tàu tập trung quan sát bằng mắt, ống nhòm để xem có anh em nào trôi dạt trên biển. Kể cả khi vớt được mảnh vỡ, biết chắc là của Casa-212 nhưng mình vẫn mong manh hi vọng tìm được đồng chí nào đó còn sống.
Tuy nhiên khi vớt được bộ ghế ngồi đã vỡ tan, chỉ còn lại những sợi dây bảo đảm an toàn, mình nghĩ anh em không ai còn nữa" - thuyền trưởng Nguyễn Thế Duyệt nhớ lại.
Sau khi trục vớt được một số mảnh vỡ, tàu CSB 2008 báo cáo và truyền hình ảnh về Sở chỉ huy. Truyền xong, tàu lại tiếp tục tìm kiếm suốt đêm bằng đèn pha và đèn pin. Đến 6h sáng hôm sau khi tàu CSB 4039 ở bờ ra, tàu CSB 2008 bàn giao các mảnh vỡ trục vớt được cho tàu CSB 4039 mang về Bộ Tư lệnh và ở lại tiếp tục tìm kiếm nhiều ngày nữa.
Năm đó, đại úy Nguyễn Thế Duyệt được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Đại úy Nguyễn Thế Duyệt đoạt giải nhì hội thi Thuyền trưởng giỏi năm 2017 cấp Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1, và đoạt giải nhất môn chính trị, tham mưu huấn luyện, thông tin - cơ yếu trong hội thi Thuyền trưởng, chính trị viên giỏi cấp Bộ tư lệnh Cảnh sát biển năm 2017.
Tháng 3-2017, thuyền trưởng Nguyễn Thế Duyệt được vinh danh "Gương mặt trẻ triển vọng" toàn quân. Anh hiện được đề nghị trao tặng danh hiệu "Gương mặt trẻ tiêu biểu" của lực lượng cảnh sát biển năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận