21/06/2013 08:21 GMT+7

Thuyền rồng sợ đăng kiểm

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TT - Cơ quan quản lý yêu cầu đưa các thuyền du lịch sông Hương lên bờ để kiểm tra, nhưng các chủ thuyền không chịu vì sợ hư thuyền.

mJaIk531.jpgPhóng to
Phần lớn thuyền du lịch sông Hương có nguy cơ phải ngừng hoạt động nếu không đăng kiểm - Ảnh: Tiến Long

Tháng 4-2012, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên - Huế có văn bản gửi các doanh nghiệp có thuyền vận chuyển hành khách trên sông Hương thông báo về việc đăng kiểm cho phương tiện này. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, chưa chủ thuyền nào chịu đưa thuyền đến kiểm tra.

Lo thuyền bị hư

Hiện có hơn 130 thuyền du lịch (thường gọi là thuyền rồng) đang hoạt động chở du khách trên sông Hương. Phân nửa số đó đã hết hạn đăng kiểm, số còn lại sẽ hết hạn trong vòng sáu tháng tới.

Để kiểm tra toàn diện, chiếc thuyền sẽ được đưa lên cạn, nằm trên một đường ray gọi là đà. Trong tờ trình gửi cơ quan kiểm định thuộc Sở GTVT, 10 doanh nghiệp vận tải trên sông Hương cho biết lý do họ không chấp hành thông báo là vì sợ sau khi đưa lên đà, thuyền của họ sẽ bị hư hỏng nặng.

Họ cho rằng phần lớn thuyền trên sông Hương hiện nay là thuyền đôi, được ghép từ hai chiếc thuyền đơn đóng trên bờ, sau đó đẩy xuống nước mới lắp ráp phần còn lại. Phần trên được lắp dựng một khung nhà có mái theo kiểu nhà rường, kết cấu trên trần nặng hơn phần dưới rất nhiều nên khi lên đà bị lực nặng sẽ làm các vết nối nứt, thuyền bị rã làm đôi. Mặt khác, cấu tạo vỏ thuyền bằng nhôm dày 5mm, bên trong khoang thuyền rỗng, được liên kết bằng đà dọc, đà ngang hình xương cá nên việc kiểm tra phần đáy thuyền và các hiện trạng an toàn kỹ thuật vẫn chính xác khi thuyền nằm trên mặt nước, không nhất thiết phải lên đà.

Bên cạnh đó, theo gợi ý của Sở GTVT, đưa thuyền về bãi đà ở Thuận An thì phải đi qua đập Thảo Long, theo phá Tam Giang để đến bãi đà sẽ gặp nhiều sóng gió rất nguy hiểm. Chưa kể môi trường nước mặn làm đáy thuyền vốn quen với nước ngọt trên sông Hương bị gỉ sét, hư hỏng...

Ông Trần Tân, chủ doanh nghiệp tư nhân Trần Tân (một doanh nghiệp vận tải hành khách trên sông Hương), cho biết để đóng một chiếc thuyền mất cả tỉ đồng, nên thà cho thuyền ngưng hoạt động chứ không thể nào cho lên đà để rồi hư hỏng phải sửa chữa mà chất lượng không được như trước. Ông Tân cho biết thêm đã đề nghị cơ quan đăng kiểm dùng camera quay dưới nước để kiểm tra đáy thuyền, chủ thuyền sẽ chịu mọi chi phí.

Sẽ có nhiều thuyền bị phạt

Ông Nguyễn Thành, chủ xưởng sửa chữa tàu thuyền ở Thuận An, cho hay xưởng sửa chữa này đã có kỹ sư chuyên môn và có đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng việc đưa thuyền lên đà mà không hư hại. Chi phí cho một thuyền lên đà khoảng 3 triệu đồng, nếu xảy ra sự cố xưởng sẽ đền bù. Mọi công việc sẽ hoàn thành trong vòng một ngày.

Ông Nguyễn Cửu Thắng, trưởng Phòng quản lý vận tải và phương tiện (Sở GTVT Thừa Thiên - Huế), cho biết đưa thuyền lên kiểm tra trên đà là quy định bắt buộc theo quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ. Việc này nhằm kiểm tra phần đáy thuyền có bị rò rỉ, đảm bảo kết cấu về mặt cứng, vững hay không để cấp giấy chứng nhận cho phép thuyền hoạt động.

Sở đã tìm được một bãi đà ở làng An Hải, thị trấn Thuận An đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa thuyền lên đà. Sở cũng tạo mọi điều kiện để các chủ thuyền đưa thuyền của mình tới bãi đà, nhưng các chủ thuyền vẫn khăng khăng theo kinh nghiệm cá nhân, không chịu chấp hành.

“Chúng tôi đã làm hết vai trò, nếu các chủ thuyền vẫn không chịu thì sẽ không được cấp giấy tờ theo quy định, như thế thuyền sẽ không được hoạt động” - ông Thắng nói. Riêng về đề nghị kiểm tra bằng phương án quay camera dưới nước, ông Thắng nói đã trình bày với Cục Đăng kiểm. Nếu áp dụng phương án này thì không chỉ có quay camera mà còn phải siêu âm để kiểm tra vỏ thuyền, chỉ những xưởng có chứng chỉ của Cục Đăng kiểm mới kiểm tra được, mà ở Huế thì chưa có. Sở cũng đang thử liên hệ với một vài xưởng ở tỉnh bạn để họ đưa trang thiết bị đến kiểm tra. Tuy nhiên, phương án này cần thời gian dài, trong khi các phương tiện gần hết hạn đăng kiểm.

Ông Nguyễn Tân, phó phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện thuyền không được chứng nhận an toàn kỹ thuật, không có giấy phép hoạt động thì sẽ xử lý. Hiện đã có bốn trường hợp bị xử phạt vì lý do này, và con số đó chắc sẽ còn tăng nếu tình trạng đăng kiểm vẫn ách tắc.

Theo quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ của Cục Đăng kiểm, có bốn hình thức kiểm tra bắt buộc để cấp giấy phép hoạt động cho phương tiện, gồm: kiểm tra ban đầu, kiểm tra trên đà, kiểm tra bất thường, kiểm tra thường niên (kiểm tra khi phương tiện ở dưới nước). Đây là quy định áp dụng cho tất cả phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ trên toàn quốc. Trước đó, thuyền rồng ở Huế đã trải qua ba hình thức kiểm tra gồm: kiểm tra ban đầu, kiểm tra bất thường, kiểm tra thường niên. Đến kỳ hạn kiểm tra trên đà thì gặp vướng mắc.
TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp