* Hỗ trợ mỗi thuyền viên 1 triệu đồng
Các thuyền viên về đến Hà Nội với những manh áo mỏng chỉ đủ ấm trong phòng ngủ, không điện thoại di động, không tài sản. Lửa trên chuyến tàu bị nạn ở Nam Cực đã thiêu rụi mọi thứ.
Phóng to |
Năm thuyền viên tại trụ sở công ty (từ phải qua): Vũ Trường Giang, Bùi Văn Thành, Trần Văn Dũng, Trần Đình Phúc, Phạm Văn Chung - Ảnh: Việt Dũng |
Về nước với hai bàn tay trắng. Mỗi thuyền viên được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng cùng 500.000 đồng tiền tạm ứng.
Xuống sân bay, về công ty, các thành viên điện thoại cho người thân yên tâm, tất cả nhất trí sẽ tập trung về Nghệ An thắp nén nhang cho hương hồn những người đồng hành bị nạn rồi mới về nhà.
Anh Trần Đình Phúc, sinh năm 1981 quê ở Kỳ Linh - Kỳ Anh - Hà Tĩnh, đánh cá trên tàu nhớ lại: “Lúc có người hô tàu cháy thì hầu hết mọi người đang ngủ. Chúng tôi bật dậy khi ngọn lửa đã ngùn ngụt, sau 5 phút lửa lan khắp tàu. Lúc đó tinh thần anh em rất hoảng loạn chẳng nghĩ được nhiều. Trên chuyến tàu có 23 người Việt Nam. Tôi với Chung, Thành lúc đó chỉ biết theo phản xạ cứu các anh em bị nạn, mặc áo phao rồi chỉ kịp nghe dặn dò dùng lương thực có sẵn trong phao thôi là lao ra khỏi thành tàu, phó mặc mình cho số phận".
"Không biết nhiệt độ bên ngoài là bao nhiêu nhưng băng tuyết giăng khắp nơi, nước lạnh buốt. Chúng tôi nhảy ra khỏi tàu cũng không nghĩ là mình sẽ sống. Đến khi băng đá đâm thủng phao cứu sinh, lúc đó bản năng mách bảo tôi cứ thò tay xuống làn nước giá lạnh mà bơi không dám nghĩ. Lênh đênh, hoang mang như vậy suốt 7, 8 tiếng đồng hồ trên biển rồi có tàu cứu nạn đến, lúc đó mới thấy có hy vọng. Rồi khi họ đưa chúng tôi về đất liền, bay qua mấy chặng, mãi khi về đến Singapore mới hoàn hồn".
Các thuyền viên đều cho rằng thoát chết trong chuyến này là do may mắn, mọi người không được chuẩn bị kỹ năng gì về cứu nạn, chữa cháy, phòng tàu chìm trên biển cả.
Anh Phạm Văn Chung, sinh năm 1987, quê Nghi Xuân - Nghi Lộc - Nghệ An, theo nghề đầu bếp trên tàu từ năm 2005. Trên chuyến tàu bị cháy anh là bếp phó. Công việc làm theo ca và mức lương anh được nhận là 320 USD/ tháng.
Anh Chung tâm sự: “Trong gia đình, dưới tôi còn 4 em trai. Hai em trai kế tôi cũng đi theo tàu đánh cá. Bố mẹ ở nhà cũng mưu sinh bằng nghề này. Không có điều kiện sắm tàu riêng để đánh bắt xa bờ, thu nhập lại bấp bênh nên nghỉ học một cái là tôi nghĩ ngay sẽ đi theo các chủ tàu viễn xứ”.
Phóng to |
Phóng to |
Bùi Văn Thành (trái) và Trần Đình Phúc - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Trần Văn Dũng đang trả lời phóng viên TTO - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Tàu cá Jeong Woo 2 bốc cháy trên biển Nam Cực - Ảnh: AFP |
Về hai thuyền viên bị thương đang điều trị tại bệnh viện Christchurch, các bác sĩ cho biết thuyền viên Ngô Văn Sỹ đang bình phục tốt, có thể sẽ xuất viện vào tuần tới, còn thuyền viên Trần Văn Ngoan cần phải tiếp tục điều trị thêm một thời gian nữa. Về ba thuyền viên bị mất tích, đại diện công ty tàu biển Hàn Quốc cho biết do điều kiện thời tiết xấu nên chưa thể tiếp cận được tàu để tìm kiếm. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hàn Quốc tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Scienco No 1) và Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD) trao đổi với chủ sử dụng lao động Hàn Quốc trong việc giải quyết thỏa đáng các quyền lợi cho thuyền viên Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận