Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard - Ảnh: Reuters
Reuters dẫn lời bà Leuthard cho biết quân đội Thụy Sĩ đã được phái đến khu vực ranh giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời "nhắc nhẹ" rằng đất nước của bà, cùng với Thụy Điển, có truyền thống làm trung gian hòa giải trong các tranh chấp.
Dù đưa ra đề nghị, nhà lãnh đạo Thụy Sĩ cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ thể hiện trách nhiệm của mình trong khủng hoảng Triều Tiên, đồng thời cảnh báo hai cường quốc này không nên hành động quá khích.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berne, tổng thống Leuthard cho rằng "cấm vận không mang lại nhiều thay đổi" trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình của mình, bất chấp điều đó khiến nhân dân Triều Tiên phải khốn đốn vì cấm vận.
Hôm 4-9, một ngày sau vụ mới nhất của Triều Tiên, Hàn Quốc thông báo đang bàn kế hoạch cùng với Hoa Kỳ đưa tàu sân bay và máy bay đánh bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên khi có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thêm tên lửa, theo Reuters.
Bình luận về kế hoạch này, bà Leuthard nói "đây là thời điểm cần phải đối thoại" thay vì động binh.
"Tôi cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến việc tình hình sẽ diễn biến ra sao trong vài tuần tới, vì thế tôi nghĩ Thụy Sĩ và Thụy Điển có thể giữ vai trò ‘sau cánh gà’ (người hòa giải) trong chuyện này" - tổng thống Leuthard nhấn mạnh.
Theo bà Leuthard, một trong những việc mà "người hòa giải" sẽ làm là tìm một địa điểm thích hợp để quan chức, có thể là ngoại trưởng, các nước có liên quan cùng ngồi đàm phán.
"Vai trò của chúng tôi là cân nhắc các khả năng có thể xảy ra, vì Twitter không phải là công cụ thích hợp. Chuyện này phải cực kỳ cẩn trọng" - tổng thống Leuthard nói với ngụ ý dễ đoán là nhắc đến ai.
Reuters cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng học tại Berne khi còn trẻ dưới một cái tên giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận