Các nhà khoa học thành công trong việc tái hiện sinh vật cổ chỉ từ 3cm hóa thạch - Ảnh: ELISSA MARTIN
Đầu thế kỷ XX, những người yêu thích các tiểu thuyết giả tưởng trên thế giới kinh ngạc trước sáng tạo của nhà văn H.P.Lovecraft (Mỹ) về một có tên Cthulhu.
Tác phẩm "Tiếng gọi Cthulhu" được sáng tác năm 1928 mô tả Cthulhu "có một cái đầu giống bạch tuộc, khuôn mặt là một đám râu thụ cảm, thân hình nhìn giống cao su, trên đó đầy những vẩy, kèm theo những móng vuốt kỳ dị ở chân trước và chân sau".
Trang Mail Online mới đây cho biết có thể Cthulhu không phải là sản phẩm tưởng tượng nữa, mà nhiều khả năng đã từng xuất hiện trong quá khứ.
Theo đó, một nhóm các nhà cổ sinh vật học người Anh và Mỹ đã cùng phối hợp sử dụng công nghệ xử lý vi tính làm sống lại sinh vật có nguyên mẫu từ một mẩu hóa thạch có tuổi thọ 430 triệu năm.
Kết quả, họ thu được hình ảnh một loài chưa từng được ghi nhận trước đây nhưng lại giống với những gì Lovecraft mô tả trong tác phẩm của mình.
Cụ thể, loài vật này trông giống bạch tuộc nhưng có đến 45 xúc tu. Các nhà khoa học cho rằng nhờ xúc tu, chúng có thể bắt mồi và di chuyển dưới đáy đại dương.
TS Imran Rahman, trưởng nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc ĐH Oxford (Anh) ,cho biết những đường tròn phía trong cơ thể Cthulhu đóng vai trò như một màng lọc nước, giúp loài vật này bắt được những con mồi kích thước nhỏ.
Cũng theo Rahman, Cthulhu nằm cùng danh sách với một nhóm động vật đã tuyệt chủng, gọi là Ophiocistioids.
Bức họa thủy quái có tên Cthulhu do chính H.P.Lovecraft (Mỹ) vẽ - Ảnh: FORBES
Bên cạnh đó, TS Jeffrey Thompson từ ĐH London cho rằng động vật cổ này có họ hàng và rất có thể là tổ tiên của loài hải sâm.
"Phát hiện này giúp chúng tôi biết rõ những biến chuyển về hình dáng các loài động vật họ hàng với hải sâm trong quá khứ, từ đó góp phần lý giải quá trình tiến hóa của sinh vật, trong đó có việc loại bỏ những phần không cần thiết và phát triển những phần thiết yếu để thích hợp với môi trường sống mới" - ông Thompson nói.
Ông Thompson cũng cho biết công nghệ mới này sẽ tạo ra bước ngoặt cho việc tái hiện hàng loạt sinh vật khác từ các mẩu hóa thạch cực nhỏ trong tương lai, từ đó tiến đến hoàn thiện bức tranh về sinh vật cổ đại.
Cụ thể, để tái hiện Cthulhu, các nhà khoa học đã phân tích từng chi tiết của mẩu hóa thạch với kích thước chỉ 3cm, sau đó tiếp tục xử lý bằng máy tính để cho ra hình ảnh kỹ thuật số có độ chính xác cao nhất.
Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học từ những trường danh tiếng như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ĐH Oxford (Anh), ĐH Leicester (Anh), Cao đẳng Hoàng gia London (Anh), ĐH Southern California (Mỹ), ĐH Yale (Mỹ).
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí uy tín Proceedings of the Royal Society B vào giữa tuần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận