Phóng to |
Ba mươi năm trước, ba tôi là bệnh nhân của mẹ khi ông nằm điều trị tại Hà Nội. Sự tận tình và dịu dàng của mẹ đã khiến ba tôi cảm phục. Khi ông rời bệnh viện cũng là lúc tình yêu chớm nở, ba mẹ nhanh chóng làm đám cưới rồi chuyển vào Nha Trang. Một mái ấm gia đình giữa thành phố biển một thời là niềm tự hào của tôi. Nhưng hạnh phúc đã không ở lại, đổ vỡ đã không thể tránh khỏi...
Khi tôi lên sáu, Hiếu lên ba, cha mẹ trở thành hai chiến tuyến, dù hai ngôi nhà vẫn nằm trên cùng con phố nhỏ có hàng cây dài. Hiếu ở với ba, tôi ở với mẹ. Ba đào hoa, có tài nên được nhiều phụ nữ quí mến. Trước cảnh gà trống nuôi con, người phụ nữ thứ hai xuất hiện và có lẽ đó cũng là định mệnh của đời ba. Người phụ nữ kém ông 27 tuổi, giống như nàng tiên chăm sóc ba từng bữa cơm, quét dọn nhà cửa gọn gàng. Thấy ba vất vả, lại được một cô Tấm trong quả thị bước ra, chị em tôi mừng lắm...
Nhưng cuộc đời đổi thay, mọi thứ đảo lộn sau đám cưới. Hiếu ít qua thăm mẹ, còn tôi bị cấm cửa. Cũng từ đây, mỗi khi lén thăm em, tôi về nhà trong nước mắt. Mẹ tôi xót xa khi thấy Hiếu học hành chểnh mảng, người xanh như tàu lá. Thương con, bà đón Hiếu về ở cùng...
18 tuổi, tôi vào Sài Gòn học rồi lập nghiệp, càng ít dịp được gần ba khi ông đã thuộc về gia đình mới. Tôi thèm một lời thăm hỏi động viên của ba đến nhường nào.
Phóng to |
Thúy Nga (lúc còn nhỏ) bên cạnh mẹ và em Hiếu |
Tôi cay đắng nhận ra bi kịch của ba tôi: ông đã già, không thể thay đổi số phận lần thứ hai nên cam chịu tất cả. Ngay cả niềm tự hào về đứa con cũng bị dập tắt trong ông. Tôi cứ mong đó chỉ là một vở hài trên sân khấu sẽ kết thúc sau một đêm. Nhưng bi kịch ấy kéo dài hết cuộc đời ba tôi và trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong tôi.
Năm 2003, tôi đưa ba vào sống cùng để có dịp được chăm sóc ông sau những ngày dài khủng hoảng tinh thần. Ba ở một thời gian, rồi lại lặng lẽ về Nha Trang trong một đêm tôi đi diễn. Tôi khóc một đêm, vừa giận vừa thương ba: thương con mà lén để trong lòng. Tôi thấy mình bất hạnh trước nỗi buồn của ba mà không biết làm gì để chấm dứt bi kịch gia đình.
Cách đây mấy tháng, tôi lại đón ba vào ở với tôi, cha con mừng tủi, tôi khóc hết nước mắt vì ba tôi lén thăm con. Thời gian đó mẹ cũng đang ở cùng tôi. Chưa bao giờ tôi hạnh phúc đến thế. Gần 30 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác được sống cuộc sống ý nghĩa đến thế. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, trở về bên mái ấm gia đình, có mẹ, có ba, có em tôi. Tiếc là ước mơ giản dị ấy cũng không ở lại mãi. Mẹ tôi lặng lẽ trở về Nha Trang để cha con tôi có dịp gần gũi nhau sau nhiều năm xa cách. Còn ba, lần thứ hai ông lặng lẽ mua vé tàu về Nha Trang khi tôi đi diễn vắng nhà. Lần thứ hai tôi khóc như mưa.
Về Nha Trang, ông gọi cho tôi: "Ba xin lỗi, con đừng lo gì cho ba nữa, ba phải sống cho gia đình ba đã chọn, sướng khổ, buồn vui ba chịu". Tôi lặng lẽ khóc trước câu trả lời như cứa vào tim của ba. Không kìm được lòng mình, tôi gào lên trong điện thoại: "Con không muốn có người cha nhu nhược như ba, con không cần ba nữa". Đêm ấy tôi đã không ngủ, vì tủi thân, vì thương giận ba nữa. Mấy ngày tôi không đi diễn, lòng nặng trĩu như vừa mất đi cái gì thiêng liêng lắm. Tôi như người lẩn thẩn, chỉ suy nghĩ về chuyện gia đình.
Tôi gọi điện thoại cho mẹ: "Con khổ quá, lòng con tan nát như chính nỗi đau của con khi không có hạnh phúc". Bên kia đầu dây, mẹ bình thản bảo tôi: "Con hãy về xin lỗi ba vì những câu nói của con. Dù ba là ai, là kẻ cướp, người ăn mày hay người đàn ông nhu nhược thì đó vẫn là ba con". Những lời dạy của mẹ thấm thía với tôi, những trách giận ba lại tiêu tan nhưng vẫn nhức nhối trong tôi. Nếu có một điều ước, tôi ước gì được có ba, một người cha yêu thương tôi trước tất cả mọi người, không giấu giếm. Vì tôi là con của ba tôi, thế thôi.
Những khó khăn trên đường đời tôi có thể vượt qua, nhưng nỗi đau trong gia đình tôi không biết phải làm sao để có được tình yêu thương ba trọn vẹn. Nhìn cuộc đời của ba mà tôi sợ lấy chồng. Mẹ cho tôi cả cuộc đời nhưng mẹ không thể cho tôi tình thương của ba, bởi không ai có quyền lựa chọn cha cho mình. Và tôi vẫn sống cuộc đời nghệ sĩ cười trên sân khấu với khán giả và lặng lẽ với nỗi đau riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận