Được đánh giá là chợ đầu mối lớn nhất cả nước, lượng thủy hải sản nhập về chợ Bình Điền (TP.HCM) mỗi đêm lên đến hàng nghìn tấn. Theo ghi nhận, đa số nguồn tôm, cua, ốc, cá... về chợ này là sản phẩm được nuôi.
Ngày càng phổ biến
Bà Ngô Thu An, đại diện một sạp hàng tại chợ Bình Điền, cho biết ngoài các loại được nuôi phổ biến như cá bớp, cá chim, tôm hùm... thì hải sản hiện cũng còn những loại được đánh bắt tự nhiên như cá ngừ, cá nục, cá thu, mực...
"Nguồn cung dồi dào, giá tốt hơn hàng tự nhiên nên lượng thủy hải sản nuôi trồng dễ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, và sản lượng đang tăng rất nhanh", bà An nói.
Không chỉ tại các chợ bình dân, hiện ở các chuỗi cửa hàng, siêu thị, nguồn thủy hải sản có xuất xứ từ nuôi trồng chiếm khá phổ biến với đa dạng chủng loại từ bình dân đến cao cấp.
Cụ thể, theo ghi nhận tại cửa hàng hải sản Hoàng Gia ở quận Gò Vấp (TP.HCM), bên cạnh nguồn hàng nhập khẩu, nguồn cung trong nước hiện khá phong phú về chủng loại như tôm các loại, cá chim, cá bớp, cá mú, các loại ốc... và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Vừa lựa mua được 2kg tôm sú sống với giá xấp xỉ gần 1 triệu đồng tại cửa hàng này, bà Trịnh Thị Hồng (quận Gò Vấp) vui vẻ chỉ vào những con tôm đang bơi cho biết đây là lần thứ 5 trong tháng bà chọn mua. Theo bà Hồng, tôm sú sống được nhân viên giới thiệu là hàng nuôi bán tự nhiên nhưng khi ăn thịt vẫn rất chắc, dai và có vị ngọt, thậm chí không thua kém tôm hùm. "Hàng nuôi trồng nhưng nếu giữ sống được, đảm bảo tươi là yên tâm về độ ngon", bà Hồng nhận xét.
Với nhiều cửa hàng kinh doanh, ông Trần Văn Trường - tổng giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM) - cho biết từ chỗ chỉ chiếm lượng khiêm tốn so với hàng ngoại nhập vào các năm trước, đến nay nguồn cung thủy hải sản trong nước đã tăng lên khá nhanh với hơn 30 chủng loại, trong đó nhiều chủng loại có nguồn gốc từ thả nuôi.
Theo đó, giá bán sản phẩm trong nước khá đa dạng với bình dân như các loại ốc, cá, cua từ 70.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại, hay cao cấp hơn là tôm hùm với giá tiền triệu/kg.
"Nguồn cung đa dạng, khách đến thì thủy hải sản vẫn đang bơi, giá tốt hơn so với mặt bằng chung nên tôm, cá, cua... được nuôi trong nước ngày càng được khách ưa chuộng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người dân đang hạn chế chi tiêu", ông Trường thông tin.
Trong khi đó, có thâm niên hơn 20 năm kinh doanh hải sản, ông Ngô Thanh Tùng - chủ cửa hàng hải sản T.V. (TP.HCM) - cho biết nhiều người chấp nhận mức giá khá cao để mua hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn cung từ nuôi trồng tăng mạnh, người dân có thể dễ tìm mua được hàng chất lượng với giá cạnh tranh.
Ưu tiên đảm bảo về chất lượng
Theo ông Trường, nhằm đảm bảo sản lượng và duy trì chất lượng, đơn vị đang đẩy mạnh việc xúc tiến với các hộ nuôi cá, tôm, cua... ở nhiều tỉnh thành để liên kết nuôi, bao tiêu sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm có thương hiệu như cua Cà Mau.
Trong khi đó, là đơn vị chuyên cung cấp hàng trăm mặt hàng thủy hải sản, ông Dương Thanh Đảo - giám đốc Công ty Hải Đảo Food (TP.HCM) - cho hay khoảng 70% nguồn cung là hàng trong nước, trong đó có nhiều loại được nuôi.
Theo ông Đảo, bên cạnh đơn vị phân phối đưa ra tiêu chuẩn, hiện nay nhiều người nuôi đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc phải đảm bảo chất lượng thủy hải sản. Theo đó, nhiều đơn vị nuôi trồng đã ưu tiên chọn vùng nước sạch. Các cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên khuyến cáo, siết chặt dần các quy định về các hoạt chất được phép dùng trong nuôi trồng.
Nhiều khách thích "hàng" nuôi
Theo nhiều chủ vựa hải sản, hiện không ít khách hàng chọn hải sản nuôi. Như cá bớp nuôi có khách thích ăn hơn cá tự nhiên nhờ thịt mềm, ít tanh; hay bào ngư nuôi thường có thịt mềm hơn hàng tự nhiên.
Ngoài ra, cá bớp nuôi giá phổ biến 260.000 đồng/kg hàng sống, cá tự nhiên giá gấp đôi, gấp ba nhưng lại hiếm khi có hàng sống; hay tôm nuôi giá 240.000 đồng nhưng tôm tự nhiên khoảng 450.000 đồng/kg.
Tin vui cho nuôi tôm hùm công nghệ cao
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, viện này đã xây dựng thành công quy trình nuôi tôm hùm trên bờ, tôm sống khỏe, đem lại lợi nhuận cao dù đầu tư giảm 20%. Viện đã chuyển giao công nghệ cho một số doanh nghiệp và đã đạt được kết quả, sản lượng tốt.
Như tại Phú Quốc một số doanh nghiệp còn linh động nuôi xen kẽ tôm hùm trên bờ lúc mưa bão và nuôi ngoài tự nhiên lúc biển êm, giảm thiệt hại. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình sản xuất thức ăn dạng viên cho tôm hùm. Các viên này được làm từ bột cá và bột mì... Việc làm chủ quy trình sản xuất thức ăn khô cho tôm hùm giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.
Minh Chiến
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Phải giảm thủ tục để thúc đẩy nuôi trồng
Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam khoảng 3,95 triệu tấn, nhưng khai thác những năm gần đây lên tới 3,8 - 3,9 triệu tấn, cường lực khai thác quá lớn. Chính vì vậy, trong chiến lược thủy sản, từ nay đến năm 2030 khai thác giảm cường lực còn khoảng 2,8 triệu tấn và nuôi trồng phải đạt 7 triệu tấn. Theo quyết định 1664 của Thủ tướng về Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, đến năm 2025 sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn.
Để thúc đẩy và phát huy tiềm năng hơn 1 triệu km2 mặt nước biển và đường bờ biển dài 3.260km, chúng ta phải thúc đẩy nuôi biển với các giải pháp đồng bộ, như: đầu tư hạ tầng; có hệ thống doanh nghiệp tham gia nuôi biển để tạo thành hệ sinh thái doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, bà con nông dân; đẩy mạnh nghiên cứu giống; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí đầu tư lồng, bè, phao...
Tuy nhiên, để giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân nuôi biển hiện phải xin ý kiến sáu bộ nếu ở ngoài phạm vi 6 hải lý và xin ý kiến ba bộ nếu trong 6 hải lý. Phải rút ngắn, cải cách được thủ tục hành chính.
Chí Tuệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận