21/09/2022 09:14 GMT+7

Thụy Điển vẫn hướng về NATO

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính phủ mới của Thụy Điển sẽ mang khuynh hướng cứng rắn với vấn đề nhập cư, và vẫn theo đuổi việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thụy Điển vẫn hướng về NATO - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng Ôn hòa Ulf Kristersson (trái) và lãnh đạo Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats) Jimmie Akesson - Ảnh: AFP

Hôm 19-9, Quốc hội Thụy Điển chính thức yêu cầu lãnh đạo Đảng Ôn hòa Ulf Kristersson thành lập chính phủ mới, đánh dấu một bước ngoặt trên chính trường Thụy Điển. Đảng Ôn hòa là một đảng bảo thủ, và ông Kristersson cũng sẽ là vị thủ tướng đầu tiên nắm quyền dưới sự ủng hộ của phe cực hữu.

Siết chặt nhập cư 

Trong cuộc bầu cử ngày 11-9, bốn đảng trung hữu ở Thụy Điển bất ngờ giành chiến thắng với 176 ghế, trong khi liên minh trung tả giành 173 ghế. Giới quan sát cho rằng dù ai liên minh với Đảng Ôn hòa, rõ ràng cánh hữu và cực hữu vẫn sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới chính quyền mới.

Đảng của ông Kristersson đã có liên minh trước bầu cử với Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Thụy Điển (một đảng cực hữu). Ông Kristersson đã tuyên bố mong muốn hoàn tất liên minh cánh hữu trong vòng 10 ngày.

Hiện nay, sự chú ý đang hướng về Đảng Dân chủ Thụy Điển. Dưới sự lãnh đạo của ông Jimmie Akesson, đảng này đã có 20% tổng số phiếu và hiện là đảng lớn thứ hai ở Thụy Điển, đảng lớn nhất bên cánh hữu.

Rắc rối ở chỗ để hình thành một liên minh đa số, ông Kristersson cũng cần sự ủng hộ của Đảng Tự do. Trong khi đó, Đảng Tự do từng tuyên bố họ không ủng hộ một nội các có người của Đảng Dân chủ Thụy Điển giữ ghế bộ trưởng.

Theo giới quan sát, giải pháp cho ông Kristerssen lúc này là sẽ thành lập chính phủ không có sự hiện diện chính thức của các thành viên Đảng Dân chủ Thụy Điển. 

Đảng mang quan điểm chống nhập cư này dự kiến tạo ảnh hưởng thông qua thỏa thuận với Đảng Ôn hòa của ông Kristerssen, trong đó hai bên sẽ thống nhất một số chính sách mà phe Dân chủ Thụy Điển mong muốn, đổi lại sự ủng hộ trong quốc hội.

Hãng tin AP nhận xét Dân chủ Thụy Điển là một đảng dân túy do các chính trị gia cực đoan cánh hữu thành lập từ những năm 1980 và có được sự ủng hộ nhờ quan điểm cứng rắn với tội phạm. Vài năm qua, bạo lực băng đảng ở Thụy Điển gia tăng với 273 vụ xả súng, trong đó 47 vụ có người chết, làm bị thương 74 người không liên quan.

Các cuộc đàm phán không chính thức đang diễn ra, nhưng thực tế một số chính sách đã được thảo luận từ trước bầu cử, trong đó đáng chú ý là quan điểm cứng rắn hơn với tội phạm và người nhập cư.

Theo chuyên gia nghiên cứu về châu Âu Anamaria Dutceac Segesten - giảng viên cấp cao tại Đại học Lund (Thụy Điển), một số thay đổi trong chính sách nhập cư có thể bao gồm việc tước quyền công dân của người đã có quốc tịch Thụy Điển nhưng phạm tội bạo lực, cũng như việc đề xuất hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người nhập cư hồi hương.

Kiên định việc gia nhập NATO

Châu Âu có lý do lo ngại sự lớn mạnh của phe cánh hữu ở Thụy Điển, đặc biệt là phe Dân chủ Thụy Điển vì đảng này mang quan điểm giảm vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thực thi chính sách đối ngoại của các nước thành viên.

Bản thân Đảng Dân chủ Thụy Điển cũng khiến giới chính trị gia theo trường phái dân chủ tự do phổ biến ở phương Tây có phần ám ảnh khi tuyên bố chính sách "Thụy Điển trên hết", một khẩu hiệu gợi nhớ về "Nước Mỹ trên hết" (America First) của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Theo bà Segesten, nếu Dân chủ Thụy Điển áp đặt thành công bất cứ yêu cầu nào về đối ngoại lên chính quyền mới, kịch bản dễ thấy là Thụy Điển sẽ rút bớt vai trò trên trường quốc tế.

Dù vậy, không giống một số đảng cựu hữu khác ở châu Âu, phe Dân chủ Thụy Điển không chống NATO, ủng hộ đơn xin gia nhập khối này của Thụy Điển. 

Giới phân tích khá lạc quan về chính quyền mới của Thụy Điển sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề trong nước, nhưng duy trì đáng kể các chính sách đối ngoại hiện nay, bao gồm việc ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga. 

Ông Robert Dalsjo, nhà phân tích tại Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển, nhận định Đảng Dân chủ Thụy Điển sẽ cố gắng "giảm bớt thái độ hoài nghi về phía EU và NATO".

Chờ tín hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 15-9, Quốc hội Tây Ban Nha đã ủng hộ việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Đây là nước thứ 26/30 thành viên NATO "gật đầu" với Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, hai nước Bắc Âu này vẫn phải chờ lá phiếu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đe dọa ngăn Thụy Điển vào NATO vì bất đồng trong quan điểm về người Kurd ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ xem người Kurd là khủng bố, trong khi Thụy Điển ủng hộ các tay súng này.

Tuy nhiên hồi tháng 6, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mềm mỏng hơn khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói họ sẽ công khai ủng hộ đề nghị mua tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ trước đây từng không bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara bị cho là "tiến gần đến Nga" và mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đề nghị mua F-16.

Điều này có nghĩa Tổng thống Biden và máy bay F-16 lúc này vô tình trở thành nhân tố có thể tác động tới việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Thủ tướng Thụy Điển từ chức Thủ tướng Thụy Điển từ chức

TTO - Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thừa nhận thất bại của đảng cầm quyền và tuyên bố sẽ từ chức, trong bối cảnh phe đối lập giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp