Thủy điện Hòa Bình sản xuất được hơn 228 tỉ kWh điện sau 30 năm đi vào hoạt động - Ảnh: N.AN
Ngày 9-11, Công ty đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979, hòa lưới tổ máy số 1 vào cuối năm 1988, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW.
Đây là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, hồ chứa tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Với dung tích 9 tỉ m3, thủy điện Hòa Bình đã giúp vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.
Trước năm 2010, khi chưa có các thủy điện bậc thang trên (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), Thủy điện Hòa Bình là nguồn điện có công suất lắp đặt lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sản lượng điện trung bình hàng năm đạt xấp xỉ mức thiết kế là 8,16 tỉ kWh.
Trong thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 35-40% toàn hệ thống, đáp ứng dư thừa nhu cầu điện khu vực miền Bắc; đồng thời cung cấp một phần sản lượng điện rất lớn cho miền Nam, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Nam.
Từ năm 2010 trở đi, sau khi các bậc thang thủy điện lớn phía trên lần lượt đưa vào vận hành, sản lượng điện của thủy điện Hòa Bình tăng vọt lên xấp xỉ 10,1 tỉ kWh/năm (tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu).
Riêng năm 2017, lập kỷ lục 11,25 tỷ kWh và năm 2018 dự kiến cũng đạt trên 11 tỉ kWh. Đến nay sản lượng điện sản xuất của Nhà máy lũy kế đã đạt 228 tỉ kWh.
Ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết nhà máy thủy điện có vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn, cải thiện giao thông.
Hàng năm, Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000 - 1.400 tỉ đồng/năm, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300 - 450 tỉ đồng/năm, đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho 6 tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỉ đồng/năm.
Ông Dương Quang Thành, chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN, cho rằng sự kiện nhà máy đủ công suất thiết kế 1920 MW và hòa lưới toàn tuyến đường dây 500 kV đánh dấu bước ngoặt ngành điện Việt Nam, cung cấp điện cho cả ba miền đất nước.
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, góp phần đưa quy mô nguồn điện Việt Nam đứng thứ 25 trên thế giới và đứng thứ hai ASEAN.
Đến nay, EVN có quy mô hệ thống điện và chất lượng cung cấp điện với tổng công suất toàn hệ thống đạt 48.000 MW, năng lực sản xuất khoảng trên 240 tỉ kWh điện/năm. Hệ thống điện Việt Nam xếp thứ hai về quy mô hệ thống điện trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 26 trên thế giới.
Theo đó, để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, ông Thành cho biết tới đây sẽ tập trung ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị.
Chủ tịch EVN yêu cầu đảm bảo vận hành nhà máy ổn định, hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng điện được giao là trên 10,1 tỉ kWh , chuẩn bị điều kiện để sản xuất đạt trên 10,2 tỉ kWh điện năm 2019.
Hoàn thành dự án nâng cấp hệ thống tự động, điều khiển các tổ máy theo kế hoạch; phối hợp với thủy điện Sơn La chuẩn bị xây dựng hai tổ máy của dự án thủy điện mở rộng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận